Chính trị - Xã hội
Những số báo đặc biệt
Với anh em Phòng Tòa soạn, mỗi khi “nấu nướng” và “bày biện” nên một tác phẩm báo chí được người đọc đợi chờ, đón nhận một cách trọng thị là cảm thấy mình đã không phụ lòng đội ngũ phóng viên miệt mài, thoăn thoắt lăn lộn với từng chặng đường, trĩu nặng từng con chữ.
Ông Nguyễn Thanh Nhựt (Mười Nhựt), nguyên cán bộ Hợp tác xã 3 Hòa Nhơn, một trong các nhân vật trong số báo này, hai lần đến viếng người chủ nhiệm cũ nhưng không dám hỏi xin báo, phải đọc nhờ tờ báo của một người dân. |
Quyết tâm cháy bỏng
Ngày 19-1-2014, tròn 40 năm Hoàng Sa của Đà Nẵng bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, một dấu mốc khó thể nào quên đối với những trái tim còn nhịp đập Việt. Thành phố Đà Nẵng đã lên kế hoạch với nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tưởng niệm sự kiện lịch sử trọng đại này. Với Báo Đà Nẵng, Ban biên tập đã quyết tâm chỉ đạo ra một số báo đặc biệt trên báo Đà Nẵng cuối tuần, về sự kiện này trước đó gần một tháng.
Bộ phận chuyên môn và Tòa soạn dường như đã chuẩn bị hoàn tất nội dung và cả việc trình bày. Đúng chiều thứ năm, ngày 16-1-2014, tròn một buổi chiều trước ngày ra báo, một cuộc họp khẩn được tiến hành, dưới sự chủ trì của Tổng Biên tập Mai Đức Lộc, để khẳng định bản lĩnh phải ra số báo này, trong sự đồng lòng nhất quyết của các bộ phận chuyên môn và Tòa soạn. Tất cả nội dung từng trang báo được rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, bài nào để lại, bài nào đứng vị trí nào… Nhân viên trình bày Bùi Anh Chung được mời tham dự cuộc họp với trọng trách phải thiết kế, trình bày một ảnh bìa ấn tượng.
Đến sáng 17-1, Báo Đà Nẵng cuối tuần số đặc biệt ra đời với chủ đề “Hoàng Sa - 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép”, 24 trang, nhiều hơn số thường kỳ 8 trang. Ngoài bài của phóng viên, cộng tác viên Báo Đà Nẵng, còn có nhiều bài nghiên cứu, biên khảo rất giá trị của các cây bút chuyên về đề tài biển, đảo như: GS Nguyễn Đình Đầu (Hoàng Sa tháng 1 năm 1974), Dương Trung Quốc (Nghĩ về Hoàng Sa), PGS.TS Trương Minh Dục (Cuộc đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền), TS Nguyễn Nhã (Biển Đông còn tỏa khói Hoàng), TS Nguyễn Đăng Vũ (Người Quảng Ngãi nhìn ra biển)…
Đến sáng 18-1, vì nhiều lý do, các hoạt động tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng bị dừng lại hoặc thu nhỏ quy mô. Lễ thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa tại Công viên Biển Đông tối đó bị hủy bỏ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ phải lên tiếng xin lỗi nhân dân. Trong bối cảnh đó, cứ tưởng Đà Nẵng cuối tuần “Hoàng Sa - 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép” sẽ có “mệnh hệ” gì đó. Rất may, vẫn không gì xảy ra và tờ báo được xuất bản bởi sự dũng cảm của Ban Biên tập đã trở thành ấn phẩm quý hiếm nhất về đề tài nóng bỏng này, từ Nam ra Bắc ai cũng xin để làm tư liệu!
Khi trình bày số báo Hoàng Sa, về hình ảnh không có trở ngại gì lớn vì ảnh tư liệu rất nhiều. Có điều, do xáo trộn nhiều về bài vở, nên dù có đến 2 người trình bày, mà đến 2 giờ sáng, công việc mới hoàn tất. Ảnh bìa, do áp lực công việc quá nhiều, lại làm khuya quá nên anh em mất tập trung, chữ “40 năm” trong “Hoàng Sa - 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép” màu sắc không nổi bật, không theo ý của Ban Biên tập.
Trước đó, chuyên đề đặc biệt “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một con người, một thiên tài”, ra ngày chủ nhật 13-10-2013 được thực hiện một cách tốc hành, chỉ diễn ra trong vòng vài ngày, đã tạo nên một tiếng vang lớn trong ngày đưa linh cữu Đại tướng về quê hương Quảng Bình. Ấn phẩm đặc biệt này có nhiều bài viết đầy cảm xúc của các tác giả nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, GS Trần Văn Thọ (Nhật Bản)….
Phát hành báo vào 28 tháng Chạp
Sáng 26 tháng Chạp Giáp Ngọ 2014, Báo Đà Nẵng phát hành các số báo in tất niên thì chiều hôm đó, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từ trần. Ban Biên tập quyết định thực hiện số báo đặc biệt 24 trang, phát hành sáng 28 tháng Chạp, nhằm tiếc thương tiễn biệt “người con ưu tú của Đà Nẵng”.
Vậy là chỉ có hơn 24 tiếng đồng hồ cho Ban Biên tập, Tòa soạn, các phòng nội dung và phóng viên lên kế hoạch, chuẩn bị nội dung, trình bày và xuất bản báo.
Anh em Tòa soạn trưa 26 tháng Chạp tổ chức liên hoan cuối năm, nghe tin buồn, hủy tất niên, tất cả về cơ quan, triển khai công việc. Ban Biên tập và các phòng chuyên môn đặt bài các cộng tác viên tên tuổi; phóng viên tỏa đi các nơi, hỏi chuyện các nhân chứng, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về vị nguyên lãnh đạo thành phố.
Quyết định xuất bản số báo đặc biệt về đồng chí Nguyễn Bá Thanh, điều lo lắng nhất của Ban Biên tập là không đủ số lượng bài và hình ảnh, do thời gian triển khai quá ngắn, lại cận kề Tết Nguyên đán. Thế nhưng, như một sự thôi thúc từ thẳm sâu trong lòng, tất cả cán bộ, phóng viên lao vào công việc. Bài vở, hình ảnh, thơ của phóng viên Báo Đà Nẵng, của cộng tác viên tên tuổi, của nhiều cán bộ hưu trí… đổ về tới tấp. Từ nỗi lo ban đầu không đủ bài vở lên trang, Ban biên tập và Tòa soạn lại đứng trước khó khăn lựa chọn bài đăng báo vì số lượng bài vở lên đến ngoài 40 bài. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Báo Đà Nẵng, chỉ trong một thời gian rất ngắn (hơn 24 tiếng đồng hồ), Tòa soạn nhận được số lượng bài vở của phóng viên và cộng tác viên nhiều đến như vậy. Anh em Tòa soạn truyền tai nhau, có lẽ đây không còn là viết báo nữa, mà là sự bày tỏ tấm lòng tiếc thương với một “người Đà Nẵng” vừa khuất.
Cả ngày 27 tháng Chạp, tất cả anh em phòng Tòa soạn đều được huy động vào công việc. Chưa bao giờ, tòa soạn làm việc quên cả Tết đang cận kề, quên cả mệt nhọc, chỉ có sự chăm chú, miệt mài, lặng lẽ, rưng rưng. Các anh chị lãnh đạo Tòa soạn như Hứa Hải, Nguyễn Thành, Tú Phương, Quốc Trung soi từng trang báo để điều chỉnh từng tít bài không trùng nhau (vì có đến 1/3 số bài gần như trùng 50% tít bài). Có những tít bài phải huy động cả nhóm cùng suy nghĩ. Các bộ phận khác thao tác nhịp nhàng để kịp 3 giờ sáng hôm sau mới xong chuyển file sang nhà in. Anh Quốc Trung, Phó phòng Tòa soạn cùng một số anh em kỹ thuật không trở về nhà, mà qua luôn nhà in để cùng theo dõi, đón đợi báo ra. Một số anh chị em khác đi tìm chỗ ăn lót dạ, lòng nôn nao chờ trời sáng để đúng 5 giờ cùng nhau quay lại tòa soạn xem “mặt mũi” đứa con tinh thần đặc biệt của mình.
24 trang báo trình bày đẹp, nhiều ảnh màu ghi lại hình ảnh “nóng hổi” tại hiện trường là đám tang đồng chí Nguyễn Bá Thanh. 3.000 tờ được chuyển thẳng tới lễ truy điệu vào 9 giờ 30 sáng 28 tháng Chạp. Hàng nghìn tờ báo “Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Bá Thanh”, bằng nội dung sâu sắc và hình ảnh chân thực, đã góp phần tăng thêm sự tiếc thương, niềm xúc cảm ngậm ngùi của tất cả những ai đến dự lễ truy điệu một người vừa nằm xuống.
3.000 tờ chỉ một loáng là hết sạch. Người thân trong gia đình tang quyến mong muốn có thêm 1.500 tờ nữa cho ngày đưa tang 30 tháng Chạp. Ban biên tập phải “điều đình” với Công ty Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng để in thêm 3.000 tờ nữa mới đáp ứng được yêu cầu chính đáng này, bởi nhà in đã đóng cửa nghỉ Tết.
Ai dự lễ truy điệu hoặc tiễn đưa vị nguyên lãnh đạo thành phố về nơi yên nghỉ cuối cùng cũng mong có một tờ Đà Nẵng cuối tuần số đặc biệt. Không kể những nhân vật được phóng viên Báo Đà Nẵng phỏng vấn viết bài, mà kể cả những tác giả là cộng tác viên có bài như Hồ Duy Lệ, Thái Bá Lợi… cũng ngóng chờ từng giờ để xin tờ báo.
Tờ báo Đà Nẵng số đặc biệt tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Bá Thanh gây “sốt” trên làng báo cả nước và trên cộng đồng mạng. Nhiều người dân Đà Nẵng trong ngày 28 Tết tìm đến trụ sở báo để hỏi mua cho bằng được. Rất nhiều đồng nghiệp tại Đà Nẵng và hai đầu đất nước liên tục điện thoại, gửi thư điện tử tới tòa soạn hỏi mua hoặc “xin” bằng được số báo này. Trên mạng xã hội, chủ đề về số báo đặc biệt này được bàn luận rất sôi động và một diễn đàn báo chí trên mạng đã bình chọn số báo đặc biệt này của Báo Đà Nẵng là sự kiện báo chí nổi bật trong tháng 2-2015.
Trong mấy năm gần đây, Báo Đà Nẵng “có duyên” với những số báo, sách đặc biệt. Có những số được hình thành chớp nhoáng chỉ trong vòng vài ngày. Ngoài các số báo nói trên, có thể kể đến cuốn sách “Học Bác một đời, học Bác mãi mãi” (hai tập, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” (kỷ yếu Hội thảo Báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên do Báo Đà Nẵng đăng cai hạ tuần tháng 3 vừa qua), đặc san “Tổ quốc nhìn từ biển”, ấn phẩm “Đêm Bà Nà đầy sao”...
Nhiều là thế, nhưng ngẫm lại, vẫn thấy số báo “Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Bá Thanh” là ấn tượng nhất, độc đáo nhất.
Với anh em phòng Tòa soạn, mỗi khi “nấu nướng” và “bày biện” nên một tác phẩm báo chí được người đọc đợi chờ, đón nhận một cách trọng thị là cảm thấy dâng tràn một niềm hạnh phúc, cảm thấy mình đã không phụ lòng đội ngũ phóng viên miệt mài, thoăn thoắt lăn lộn với từng chặng đường, trĩu nặng từng con chữ.
VĂN THÀNH LÊ