Chính trị - Xã hội

Thắp lên niềm tin và đam mê

06:32, 20/06/2015 (GMT+7)

“Báo Đà Nẵng không những là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền mà còn phản ánh đời sống nhân dân, là diễn đàn của nhân dân, nơi nhân dân tin tưởng gửi gắm những ý kiến, ý tưởng của mình cho Đảng bộ và chính quyền thành phố; đồng thời góp phần xây dựng thành phố thân thiện, an bình, sống tốt”, ông Bùi Xuân, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy nói về sự đổi mới của Báo Đà Nẵng trong thời gian qua.

Báo Đà Nẵng là diễn đàn của nhân dân, nơi nhân dân tin tưởng gửi gắm những ý kiến, ý tưởng của mình cho Đảng bộ và chính quyền thành phố.
Báo Đà Nẵng là diễn đàn của nhân dân, nơi nhân dân tin tưởng gửi gắm những ý kiến, ý tưởng của mình cho Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Sức lan tỏa của tờ báo đến người đọc

Tròn 55 tuổi, Báo Đà Nẵng xác lập một chỗ đứng trang trọng trong báo giới, cũng là chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc của thành phố. Mặc dù trong bối cảnh báo in có xu hướng giảm mạnh về số lượng, nhất là báo Đảng địa phương, Báo Đà Nẵng tăng trưởng khá ấn tượng: từ 3.500 tờ/kỳ, đến nay tăng lên 10.000 tờ/kỳ và phát hành đến tận tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận và bạn đọc kịp thời.

Là người thường xuyên đọc Báo Đà Nẵng, ông Thái Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Phước Ninh (quận Hải Châu) cho biết: Với chức năng cơ quan ngôn luận của thành phố, Báo Đà Nẵng đã tập hợp được các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân qua các chuyên trang, chuyên mục, từ đó nhân dân quan tâm đến tờ báo.

Ông Bùi Xuân cũng nhận định: “Trong những năm qua, tờ báo ngày càng có chất lượng, có nhiều chuyên trang, chuyên mục hay, ngày càng sâu sát cơ sở phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Báo Đà Nẵng đã phản ánh rất toàn diện, đưa ra những chủ trương của Đảng bộ về vấn đề an sinh xã hội, về phát triển kinh tế… đến với các tầng lớp nhân dân rất rõ. Mặt khác, Báo Đà Nẵng có nhiều bài viết phản ánh kịp thời, sâu sát về tình hình đời sống của nhân dân; qua đó giúp cho Đảng bộ và chính quyền thành phố có cái nhìn sâu sát hơn, có những chủ trương, chính sách hợp lòng dân hơn để ổn định, cải thiện đời sống của tầng lớp nhân dân thành phố.

Báo Đà Nẵng thời gian qua tập trung xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, có kiến thức, có tay nghề và đặc biệt tâm huyết với nghề, quan tâm đến đời sống xã hội nên báo xuất hiện nhiều bài viết có chất lượng.

“Báo Đà Nẵng có một nét đặc sắc là vừa nêu lên được tình hình nhân dân và chủ trương của thành phố, vừa phản ánh được tiếng nói đồng thuận của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và góp ý xây dựng thành phố văn minh hiện đại, đặc biệt việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Đây là một chỉ thị đi sát đời sống nhân dân và Báo Đà Nẵng đã đăng tải nhiều bài viết, thông tin tốt thể hiện được tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân”, ông Bùi Xuân cho biết.

Phóng viên Báo Đà Nẵng thường xuyên bám sát cơ sở để phản ánh chân thực đời sống người dân trên mặt báo. Trong ảnh: Phóng viên Xuân Duyên phỏng vấn người dân Cơtu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang về vấn đề an sinh.
Phóng viên Báo Đà Nẵng thường xuyên bám sát cơ sở để phản ánh chân thực đời sống người dân trên mặt báo. Trong ảnh: Phóng viên Xuân Duyên phỏng vấn người dân Cơtu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang về vấn đề an sinh.

Cần tăng thêm hơi thở cuộc sống

Trong thời gian tới, để phản ánh nhiều mặt về đời sống nhân dân, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị: Tòa soạn cần rà soát lại việc tổ chức tin, bài để chuyển mạnh đề tài hướng về cơ sở nhằm làm tăng thêm hơi thở cuộc sống và coi đây là cách làm mới báo Đảng địa phương. Nếu được vậy, chẳng những có tiếng nói đời sống nhân dân trên báo mà còn mở ra một đối tượng bạn đọc rộng lớn đối với báo mình và có sự tương tác giữa người làm báo và bạn đọc.

Chẳng hạn như mở các chuyên mục định kỳ về “tiếng nói của công nhân”, “tiếng nói của ngư dân” trong bối cảnh tình hình Biển Đông phức tạp hay tiếng nói của những người trong tuyến đầu thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị”, hay mở thêm các chuyên mục về “cư dân nhập cư”, “công chức Đà Nẵng”… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của họ đối với quê hương thứ 2 của mình; từ đó, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng tờ báo đáp ứng nhu cầu bạn đọc ngày càng lớn.

Về vấn đề này, ông Bùi Xuân cho rằng: Tờ báo cố gắng đi sâu sát hơn nữa, thông tin nóng hơn nữa về thực trạng đời sống, nhất là khó khăn của nhân dân; đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo thành phố phải có thực tiễn mang tính khả thi để lãnh đạo thành phố có những quyết sách sát hơn, đúng đối tượng hơn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân thành phố.

Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên cần tiếp tục nâng cao tay nghề và nhất là những kiến thức về quan hệ công chúng, hiểu dân hơn, gần dân hơn và có những bài viết sâu sắc hơn về người dân, để động viên cho được người dân lạc quan tin tưởng vào sự phát triển của thành phố.

Ông Thái Thanh cũng cho rằng: Hình thức, nội dung và bố cục của báo cũng đã phản ánh tương đối đầy đủ những diễn biến xã hội và tiếng nói của Đảng hằng ngày. Nhưng để đi vào thị hiếu và nhu cầu người đọc, Báo Đà Nẵng nên dành một góc nào đó viết về “gương người tốt, việc tốt” của người dân, đặc biệt của giai cấp công nhân, trí thức, người lao động, cụ thể như chuyên mục “những việc làm ngay”, “nói và làm” để người dân có một niềm tự hào và đam mê với báo hơn.

Đoàn Lương

.