Chính trị - Xã hội
Xây dựng nghị quyết chuyên đề về khoa học công nghệ
Một trong những bài học kinh nghiệm của Đảng ủy Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) trong nhiệm kỳ 2010-2015 là thực thi vai trò lãnh đạo thông qua việc ban hành và triển khai các nghị quyết chuyên đề, nhằm tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong văn kiện Đại hội Đảng bộ lần IV.
Lãnh đạo thành phố chúc mừng Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2013. Ảnh: ĐHĐN |
Trong suốt nhiệm kỳ 2010-2015, BCH Đảng bộ ĐHĐN đã nghiên cứu ban hành một số nghị quyết chuyên đề về khoa học công nghệ, đào tạo tín chỉ, công tác sinh viên… Tiêu biểu trong số đó là nghị quyết chuyên đề về khoa học công nghệ (KHCN).
Nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN và hướng đến mục tiêu phát triển ĐHĐN thành đại học định hướng nghiên cứu, Đảng ủy ĐHĐN đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 60-NQCĐ/ĐU ngày 4-8-2011 “Về việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quan hệ với doanh nghiệp và đào tạo sau đại học”. Đảng ủy đã lãnh đạo các Đảng bộ, chi bộ cơ sở để triển khai nghị quyết vào thực tế hoạt động của đơn vị.
Nghị quyết chuyên đề này đã được các cấp chính quyền hiện thực hóa thành các chủ trương, chính sách lớn, tạo bước đột phá trong hoạt động KHCN. Cụ thể, trên cơ sở chỉ đạo của Nghị quyết, Giám đốc ĐHĐN đã ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ (năm 2012) với quy định trích 3% từ nguồn thu học phí bậc đại học và 2% từ nguồn thu học phí bậc sau đại học để phục vụ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; quy định rõ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên với định mức rõ ràng, nếu giảng viên nào không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thì phải trừ tiền từ giờ giảng để nộp vào quỹ phát triển KHCN.
Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các nhóm giảng dạy- nghiên cứu (năm 2011), từ đó tạo ra bước phát triển mới cho các nhóm tại ĐHĐN. Bên cạnh đó, Giám đốc ĐHĐN đã ban hành Quy chế thỉnh giảng (năm 2014) quy định việc mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội tham gia giảng dạy, nghiên cứu và tham gia các hội đồng tại ĐHĐN. Đồng thời, ban hành quyết định thành lập và Điều lệ Quỹ phát triển KHCN ĐHĐN (năm 2015).
Đảng ủy ĐHĐN đã tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ và hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết. Qua mỗi hội nghị đều có văn bản tổng kết, đánh giá và yêu cầu triển khai những nội dung chưa thực hiện.
ĐHĐN cũng đã tăng cường mạnh mẽ hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng, Hội doanh nhân trẻ…; các công ty Foster Electric, Mabuchi, Daiwa Seiko, Trường Hải, FPT, F-Soft, Enclave, Cảng Đà Nẵng… Đặc biệt, ĐHĐN đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Microsoft, thành lập Học viện Công nghệ thông tin Microsoft tại ĐHĐN và hai bên cùng đã hợp tác với Tập đoàn Asus để phát triển thành công sản phẩm công nghệ cao Smart Book, vừa ra mắt vào ngày 10-6-2015.
Đặc biệt, hưởng ứng “Năm doanh nghiệp 2014”, ĐHĐN đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo và hoạt động thiết thực khác. Tuy nhiên, sự hợp tác đó chưa đáp ứng sự kỳ vọng của ĐHĐN và lãnh đạo thành phố. Trong thời gian đến, ĐHĐN phải đóng vai trò quan trọng hơn nữa, góp phần tạo ra động lực phát triển cho Đà Nẵng.
Tập trung phối hợp với thành phố trên những lĩnh vực chủ yếu như: thường xuyên nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, nhận diện những biến động về kinh tế - xã hội để kịp thời đề xuất những giải pháp, những chính sách nhằm tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố để lập dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để điều chỉnh và định hướng kế hoạch đào tạo của ĐHĐN, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nhân lực kịp thời với chất lượng tốt cho nhu cầu phát triển của thành phố; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội để đề xuất, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; nghiên cứu đề xuất cơ chế để chia sẻ nguồn lực giữa thành phố và ĐHĐN nhằm phục vụ phát triển bền vững cho thành phố và ĐHĐN. ĐHĐN cần tích cực tham gia vào diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh duyên hải miền Trung để đề xuất những hướng phát triển phù hợp cho từng tỉnh và tổng thể toàn khu vực.
Từ kinh nghiệm thực hiện nghị quyết chuyên đề KHCN, lãnh đạo ĐHĐN rút ra những kinh nghiệm: khi ban hành nghị quyết chuyên đề phải xuất phát từ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và tạo sự đột phá trong hoạt động của đơn vị. Nghị quyết phải có mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung thực hiện, giải pháp và kết quả rõ ràng, có thể lượng hóa và đánh giá được. Những nội dung, nhiệm vụ trong nghị quyết phải được triển khai nhanh chóng để phía chính quyền nghiên cứu ban hành các quy chế, quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện. Sau khi ban hành nghị quyết, mỗi tháng đều phải yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thực hiện nghị quyết. Phải tổ chức đánh giá giữa kỳ và sơ kết để tổng kết, đánh giá việc triển khai và có văn bản nhắc nhở đến từng Đảng bộ, chi bộ liên quan.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, ĐHĐN đã triển khai thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 61 đề tài cấp Bộ, 20 đề tài bằng kinh phí của các địa phương, 334 đề tài cấp ĐHĐN, 556 đề tài cấp cơ sở; đã đăng ký và được cấp 8 bằng phát minh sáng chế; công bố 3.352 bài báo trong nước và 851 bài báo quốc tế (trong đó có 95 bài trong danh mục ISI); doanh thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đạt bình quân 30 tỷ đồng/năm. |
P.V