Chính trị - Xã hội

Phụ nữ vùng ven chuyển đổi ngành nghề

14:09, 09/09/2015 (GMT+7)

 Với quá trình đô thị hóa, đất dành cho nông nghiệp ở vùng ven thành phố Đà Nẵng ngày càng thu hẹp. Nhiều phụ nữ từng gắn liền với đồng ruộng, luống rau đã nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề, không chỉ làm giàu cho mình mà còn tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ tại địa phương.

Cơ sở may gia công của chị Trần Thị Anh Phượng thu hút nhiều lao động nữ trên địa bàn phường Hòa Xuân tham gia.
Cơ sở may gia công của chị Trần Thị Anh Phượng thu hút nhiều lao động nữ trên địa bàn phường Hòa Xuân tham gia.

Phát triển tiểu thủ công nghiệp

Từ ngày phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) chuyển mình từ quê lên phố, đất canh tác thu hẹp, giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động, nhất là lao động nữ, thật không dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhất là sự hỗ trợ từ nguồn vốn quay vòng của Hội phụ nữ, nhiều chị đã mạnh dạn mở xưởng may gia công.

Trường hợp chị Trần Thị Anh Phượng (trú tổ 43, phường Hòa Xuân) được xem là một điển hình. Cơ sở may gia công của chị Phượng thu hút gần 30 lao động nữ trên địa bàn phường tham gia, với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, đủ để các lao động trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. “Tôi nghĩ rằng, phát triển kinh tế theo xu thế tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tốc độ đô thị hóa hiện nay. May gia công dễ học nghề, phù hợp với chị em hạn chế về học vấn, tuổi tác không phù hợp với môi trường làm việc tại các khu công nghiệp và không thể tiếp tục sống với nghề nông như trước”, chị Phượng chia sẻ.

Nói về việc chuyển đổi ngành nghề, chị Phạm Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, tính đến hết năm 2014, trên địa bàn phường còn hơn 900 lao động nữ trên 18 tuổi không có việc làm, tập trung chủ yếu từ 40-45 tuổi, độ tuổi khó tìm việc làm. Hội Phụ nữ phường đã tổ chức các tổ tư vấn, giới thiệu mang tên “Địa chỉ hồng”, liên kết với các công ty dệt may, giày da... trực tiếp nhận lao động địa phương. Từ đó, nhiều hội viên có việc làm ổn định, thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, 500 lao động nữ đã có việc làm thường xuyên, góp phần làm bức tranh công tác an sinh xã hội của địa phương thêm khởi sắc, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Xu hướng mở xưởng may cũng là lựa chọn của chị em phụ nữ thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Trong đó, cơ sở may của chị Hồng tấp nập người ra vào mua bán. Chị Hồng cho biết, chị mua hàng tấn vải phế liệu, vải đầu khúc của các công ty may, chế tạo những sản phẩm như: áo quần bảo hộ lao động, áo quần trẻ em, tấm chăn đắp cho trẻ em, tấm lau nhà, thảm để sàn, thảm chùi chân… Đến nay, sản phẩm của chị đáp ứng yêu cầu thị trường, phân phối cho khách hàng ở miền Bắc, khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, tạo việc làm cho 30 phụ nữ không có việc làm ổn định tại địa phương (trong đó có 5 phụ nữ nghèo, 7 phụ nữ khuyết tật), thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống của các chị.

Mô hình trang trại nhỏ

Theo chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, những năm gần đây, phụ nữ trên địa bàn phường cũng chuyển đổi ngành nghề thành công. Từ trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ, họ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư bài bản để chăn nuôi, trồng hoa và nấm, bước đầu cho thấy hiệu quả. 5 năm qua, gần 1.000 phụ nữ trên địa bàn phường có việc làm ổn định, riêng mô hình nấm và hoa giải quyết việc làm cho hơn 30 phụ nữ/tháng với mức thu nhập 3 triệu đồng.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn hoa cúc, chị Đoàn Thị Gái (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cho biết, vốn sống bằng nghề thuần nông, nuôi 5 người con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị làm quần quật suốt ngày với mấy sào ruộng, luống rau vẫn không đủ ăn. “Thấy người ta ổn định cuộc sống nhờ trồng hoa, tôi suy nghĩ nhiều lắm, rồi đánh liều đề xuất Hội LHPN phường hỗ trợ cho vay vốn. Nhờ mạnh dạn, chịu khó, sau 5 năm, tôi thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Mùa cao điểm gần Tết Nguyên đán, tôi trồng hơn 3.000 chậu hoa, tạo công việc cho 15 nhân công, những tháng còn lại trong năm chỉ bố trí việc làm cho khoảng 6-8 nhân công, cung ứng hoa thường xuyên cho thị trường”, chị Gái tâm sự.

Ngoài trồng hoa, nhiều phụ nữ phường Hòa Thọ Tây còn mạnh dạn đầu tư trồng nấm, trong đó có hộ chị Trần Thị Liễu. Được sự động viên của Hội phụ nữ phường, chị tham gia lớp tập huấn trồng nấm do Hội LHPN phối hợp với Hội Nông dân quận tổ chức. Đến nay, quy mô trồng nấm của chị mở rộng hơn, cách chăm sóc cũng chuyên nghiệp hơn nên tạo hiệu quả kinh tế cao.

Tuy với quy mô còn nhỏ, nhưng hiệu quả từ việc chuyển đổi ngành nghề của phụ nữ vùng ven phù hợp với xu hướng đô thị hóa và giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Bài và ảnh: HÀ THU

.