.

Vấn đề đối thoại và tham vấn trong dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính

.

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở cho thấy: Chính việc đẩy mạnh thực hiện vai trò đối thoại của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật trên tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định, kinh tế-xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, từng bước củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

Do đó, quá trình dự thảo để cho ra đời Luật Ban hành quyết định hành chính do Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã không thể tách khỏi bài học từ thực tiễn đó. Chính vì vậy, vấn đề đối thoại và cơ chế tham vấn đã được quy định khá rõ ràng trong dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính.

Mục đích dự án Luật Ban hành quyết định hành chính là nhằm thiết lập trật tự ban hành quyết định hành chính thông qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính, tính minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành quyết định hành chính và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Về vấn đề tham vấn ý kiến của người dân trước khi ban hành quyết định hành chính tại Điều 23 dự thảo Luật quy định rất rõ ràng, trong đó ghi nhận cụ thể: “Trong trường hợp ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 Luật này, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính phải lấy ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản của đối tượng thi hành quyết định hành chính...” (Khoản 1 Điều 23 Dự thảo); “Trong trường hợp ban hành quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng, căn cứ vào nội dung, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của quyết định hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính tổ chức lấy ý kiến người dân tại cộng đồng, các chuyên gia, nhà khoa học...” (Khoản 2 Điều 23 Dự thảo).

Như vậy vấn đề tham vấn được hiểu theo nghĩa pháp lý chính là quá trình của việc lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản pháp lý. Ngoài ra, tham vấn còn chính là việc trao đổi, thảo luận, lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu. Như vậy ngay bản thân khái niệm “tham vấn” khi được đưa vào văn bản pháp lý và cụ thể là ở dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính đã thể hiện được ý nghĩa của dự thảo, đồng thời thể hiện tính “trọng thị”, “trưng cầu ý dân” của cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành quyết định hành chính mà đối tượng chịu sự tác động trực tiếp đó là người dân nói chung.

Nếu việc tham vấn được thực hiện hiệu quả với các cách thức cụ thể thì bản thân việc tham vấn sẽ phát huy được tính dân chủ đã được thể hiện trong Hiến pháp, đồng thời đó chính là kênh thông tin quan trọng, có giá trị và thực sự hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà làm luật từ đó quan tâm hơn đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân. Vấn đề tham vấn và giải trình ý kiến tham vấn thể hiện rõ “cơ chế đối thoại” giữa nhân dân và Nhà nước trong quá trình ban hành và thực thi pháp luật và cụ thể ở đây là giữa cá nhân công dân với chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.

Trên thực tế, nếu việc tham vấn chỉ là hình thức và việc công khai, minh bạch hóa không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, không xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân (cụ thể ở đây là đối tượng chịu sự tác động của quyết định hành chính) thì những quy định về tham vấn sẽ lại là câu chuyện xa rời thực tế, thể hiện tình trạng “chiếu lệ” đang tồn tại trong nhiều quy định pháp lý của Nhà nước ta hiện nay. Vì vậy để  bảo đảm tính dân chủ trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước thì mọi người dân đều có quyền được biết về các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời chính sách và pháp luật của Nhà nước cần phải xuất phát từ thực tiễn và sự tham gia sớm của người dân vào việc ban hành chính sách pháp luật là một yêu cầu được đặt lên hàng đầu.

Việc cho ra đời một đạo luật cụ thể là Luật Ban hành quyết định hành chính trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết và có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định của Luật Ban hành quyết định hành chính cần đưa vào thêm điều khoản quy định việc tham vấn và lấy ý kiến là một quy trình bắt buộc trong những trường hợp cụ thể nào. Nếu không quy định rõ cơ chế, cách thức và trách nhiệm tiếp thu ý kiến và giải trình thì việc quy định tham vấn và lấy ý kiến sẽ mang tính hình thức và hiệu quả không cao. Nếu việc tham vấn và giải trình ý kiến tham vấn chỉ được thể hiện trong một vài điều luật của dự thảo này thì quy định về tham vấn và giải trình ý kiến tham vấn sẽ không phát huy được dụng ý của nhà soạn thảo pháp luật đó là coi trọng ý kiến của người dân đối với mỗi quyết định hành chính. Đồng thời, việc quy định không chặt chẽ và cụ thể về tham vấn và quy trình của việc giải trình ý kiến tham vấn thì sẽ quay lại tình trạng “chiếu lệ” trong quy định của pháp luật, việc quy định về vấn đề này sẽ còn bỏ ngỏ và người dân vẫn còn đứng bên ngoài lề của công việc xây dựng pháp luật.

HƯƠNG GIANG

;
.
.
.
.
.