Chính trị - Xã hội

Chốt nhiệm kỳ, Thủ tướng có 75 phút trả lời chất vấn

08:05, 14/11/2015 (GMT+7)

Phiên chất vấn sau cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII bắt đầu vào đầu tuần tới, lần đầu Quốc hội tổ chức chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ trong 2,5 ngày. Riêng Thủ tướng, các đại biểu vẫn chỉ có thể chất vấn vào nửa buổi làm việc cuối.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn cuối năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn cuối năm 2014.

Phiên chất vấn bắt đầu từ sáng thứ  Hai (16/11) đến hết buổi sáng thứ Tư (18/11).Từ đầu kỳ họp, phiên chất vấn đã được thông tin rộng rãi trên công luận là tổ chức theo phương thức mới, chưa từng có tiền lệ.

Quốc hội không chọn người trả lời chất vấn cụ thể, cũng không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sau khi nghe báo cáo của Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vị đại biểu sẽ thảo luận, chất vấn về nội dung này. Chất vấn hướng tới việc làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong cả nhiệm kỳ.

Báo cáo mới nhất của Đoàn Thư ký kỳ họp về nội dung này, Trưởng đoàn Thư ký, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các vị đại biểu quan tâm đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành quản lý của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, địaphương về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội quốc phòng, an ninh.

Đoàn thư ký cũng lưu ý đánh giá về kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ.

Về những vấn đề chất vấn, đại biểu được đề nghị quan tâm đến nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm hoặc chưa đạt được các yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội đặt ra.

Nếu tham gia thảo luận, thời gian dành cho đại biểu vẫn là 7 phút, như thường lệ, còn nếu chỉ chất vấn thì chỉ được 2 phút. Nếu vừa thảo luận vừa nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu cũng chỉ có 7 phút thể hiện.

Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm thuộc người đứng đầu cơ quan nào, người đó trực tiếp trả lời theo hành cụ thể của chủ tọa phiên họp. Chất vấn liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ hoặc trách nhiệm thuộc nhiều bộ ngành thì Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội (nếu có).

Trong chương trình chi tiết thì thời gian dành cho Thủ tướng dự kiến được bố trí là từ 10h đến 11h15 ngày 18/11. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ có 75 phút để vừa phát biểu, vừa trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu.

Khung  thời gian này, như vậy, duy trì như các phiên chất vấn tại các kỳ họp cuối năm.

Nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng khoảng 1 giờ “gói ghém” dành cho Thủ tướng là ít vì một năm Thủ tướng chỉ đăng đàn một lần vào kỳ họp cuối năm. Và còn vì lần này chất vấn mang ý nghĩa tổng rà soát cả nhiệm kỳ chứ không như những lần trước, chỉ tập trung vào các vấn đề mang tính thời sự cao.

Nhìn lại cả nhiệm kỳ, chưa có lần chất vấn nào Thủ tướng được dành trọn một buổi để trả lời trực tiếp, như các thành viên Chính phủ khác.

Cuối năm 2011, thời gian dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp là 20 phút cho 22 câu trả lời, đến cuối 2014 thì tăng lên gấp đôi, tức cũng chưa đến một giờ đồng hồ.

Theo P.Thảo (Dân trí)

.