Chính trị - Xã hội

Mô hình "3 không trong việc tang" tại xã Hòa Tiến

10:18, 18/11/2015 (GMT+7)

Với quan điểm “nghĩa tử là nghĩa tận” nên người Việt Nam dù nghèo đến mấy cũng dành tiền của và thời gian cho đám tang (tang, viếng), còn được nghĩ như là “đám báo hiếu”.

Việc làm đó vừa để tỏ lòng thương tiếc người thân đã mất, vừa giảm nỗi đau của gia đình tang quyến. Do đó trong đám tang, gia đình thường cố gắng làm sao phải lo đủ các lễ lạt để người chết được thanh thản và mau siêu thoát. Trong các tục lệ đó việc quàn linh cữu tại nhà chờ ngày tốt, đãi dân âm công, cúng vàng mã và rải vàng mã trên đường khi đưa tang là không thể thiếu.

Trên địa bàn xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang mỗi ngày có hàng chục đoàn xe tang chạy ngang qua trục đường ĐT 605, ĐH 409, ADB5 để đến các Nghĩa trang Hòa Tiến, Hòa Khương, Điện Hòa… Nhiều người dân sinh sống nơi đây cho biết khi các xe tang chạy qua các con đường này trở thành con đường rác đầy vàng mã, với những hình ảnh vô cùng phản cảm, vàng mã bay tứ tung khi gió thổi qua gây ô nhiễm môi trường.

Ngay từ khi phát động, phong trào xây dựng mô hình “3 không trong việc tang” do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến phát động từ năm 2005 đến nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến thôn, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Với các nội dung như: Không để thi hài quá 48 giờ; không mở loa đài quá to, không dùng nhạc tang quá 21 giờ đêm và trước 6 giờ sáng; không rắc tiền thật và tiền âm phủ trên đường đưa tang, việc đưa tang đảm bảo an toàn giao thông... đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, môi trường trong sạch ở thôn, xóm.

Để tuyên truyền cho người dân hiểu và hưởng ứng, Mặt trận xã đã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận (Ban CTMT) thôn tích cực phối hợp với các chi hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào. Ban đầu, Ban CTMT thôn và các hội, đoàn thể gặp không ít khó khăn trong thay đổi cách nghĩ của người dân, nhất là với người dân nông thôn thì khó khăn càng gấp bội.

Trưởng Ban CTMT thôn Cẩm Nê cho biết: “Khi trong thôn có người từ trần, lãnh đạo thôn đã đến giúp đỡ gia đình lo hậu sự, thông qua đó đại diện thôn, các chi hội, đoàn thể đã phân tích những lợi ích thiết thực khi áp dụng mô hình “3 không trong việc tang”, những cái cũ đã lạc hậu phải bỏ đi. Ban đầu thì không dễ thuyết phục, nhưng rồi họ cũng suy nghĩ, áp dụng và thấy có cái lợi thực sự nên họ đồng ý. Trường hợp đầu tiên xem như thành công thì các đám tang khác như có “hiệu ứng dây chuyền”, lấy đám tang đầu làm gương nên sức thuyết phục rất cao”.

Nhìn chung, việc tổ chức lễ tang văn minh trên địa bàn xã Hòa Tiến đã có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào thi đua xây dựng mô hình “3 không trong việc tang” thực sự tạo hiệu ứng tốt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đã có nhiều gia đình, dòng họ thực hiện tốt việc tang. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan được khắc phục đáng kể; đặc biệt, cán bộ, đảng viên ở địa phương luôn gương mẫu thực hiện việc tang văn minh để quần chúng học tập, noi theo. Việc rải vàng mã trên đường đưa tang đã được địa phương chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, khu dân cư nên đã giảm thiểu đáng kể.

Xuân Cường

.