Chính trị - Xã hội

"Tưởng nhớ người đi – vì người ở lại"

Nỗi đau người ở lại...

06:38, 15/11/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Ngồi trong căn nhà nhỏ nằm khép mình khiêm tốn ở con phố nhỏ chưa có tên (tổ 66, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) câu chuyện của tôi với bà Đinh Thị Chi, mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Toàn cứ ngắt quãng liên tục bởi tiếng khóc của bà.

Con trai chết vì tai nạn giao thông, giờ đây ở tuổi 78, bà Đinh Thị Chi, ở tổ 66 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn phải lo cho đứa cháu nội mới 8 tuổi.
Con trai chết vì tai nạn giao thông, giờ đây ở tuổi 78, bà Đinh Thị Chi, ở tổ 66 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn phải lo cho đứa cháu nội mới 8 tuổi.

Với bà, cái buổi chiều cuối tháng 3-2015 thực sự trở thành ác mộng: Khi chuẩn bị cho bữa cơm tối, bà nhận được tin sét đánh con trai bà, anh Nguyễn Văn Toàn bị ô-tô tải tông bất tỉnh ngay gần chợ Bắc Mỹ An. Hai tháng rưỡi nằm ở Bệnh viện Đà Nẵng, trong nhà có cái gì đáng giá đều “đội nón ra đi”, nhưng anh vẫn chìm sâu trong hôn mê. Cuối cùng, bà đành gạt nước mắt đưa con trai về nhà chăm sóc, đúng 1 tháng rưỡi sau thì anh mất. Vậy là, vừa mất con, vừa ở cái tuổi 78 với đủ thứ bệnh tật, bà phải lo cho đứa cháu nội 8 tuổi ăn học.

Bà Chi tâm sự: “Trước đây, con trai bà làm nghề phụ hồ, không dư dả gì nhưng cũng đủ cho 3 mẹ con, bà cháu cơm cháo qua ngày. Bây chừ, con chết, hai bà cháu chỉ còn biết bấu víu vào hai phòng trọ cho thuê. Nhưng khó khăn chẳng buông tha, trước đây cả hai phòng đều có người thuê, từ khi con trai chết chỉ còn 1 phòng có người thuê với giá 600.000 đồng/tháng”.

Rời nhà bà Chi với tâm trạng nặng trĩu, tôi đến thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Đông, ở số nhà K122/H27/24 đường Phan Thanh, Đà Nẵng. Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, mái tôn thủng lỗ chỗ, chỉ có nơi đặt bàn thờ của bà Đông có mái tôn còn mới hơn. Anh Hồ Viết Dũng từ Huế vừa vào thắp hương cho mẹ bộc bạch: “Dột hết anh ơi, nhưng khó khăn quá nên chỉ thay tôn chỗ bàn thờ mẹ và chỗ ba tôi nằm thôi, còn mưa thì kiếm đồ hứng”.

Hơn một tháng trước, trong khi đi bán vé số, mẹ anh Dũng bị một chiếc mô-tô tông thẳng vào người khi bà qua đường, khiến bà chết tại chỗ. “Lỗi là ở người gây tai nạn, nhưng gia đình họ cũng nghèo quá, nên cuối cùng chẳng đền bù được gì. Mẹ tôi dù đã 77 tuổi nhưng hơn 20 năm nay bán vé số để nuôi sống gia đình, vì ba tôi mù lòa, em gái út thì câm, đứa em trai bị bệnh tiêu hóa không làm được gì. Từ ngày mẹ mất, khó khăn càng chồng chất, nhất là việc thuốc thang cho ba tôi đành tạm gác lại”, anh Dũng nghẹn ngào kể.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Thu Hương, ở tổ 38B, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Căn nhà nằm trên con phố nhỏ chưa đặt tên, nhưng khi tôi hỏi “nhà bà Hương bán trứng vịt lộn bị xe tông chết”, lập tức ai cũng biết và tận tình chỉ dẫn đến tận nhà.

Tiếp tôi là anh Lê Thanh Tuấn, con trai bà Hương, buồn rầu kể: “5 tháng trước, mẹ tôi đi qua đường Lê Trọng Tấn bị một chiếc mô-tô chạy quá nhanh tông thẳng vào người, cấp cứu ở bệnh viện một đêm, sáng sớm họ bảo đưa về. Chỉ trong vòng vài năm, gia đình tôi chịu đến 2 cái tang của ba và em trai, bây giờ chịu tiếp tang mẹ, quả thật không thể chịu nổi. Ba anh em còn lại trong gia đình thì chỉ có đứa em trai sức khỏe bình thường có gia đình riêng, còn tôi và em gái đều bị bệnh nặng không thể làm gì nên khó khăn lắm. Trước đây mẹ bán trứng vịt lộn mỗi đêm cũng kiếm được hơn 200.000 đồng nên đủ trang trải, còn bây giờ hai anh em chỉ trông vào quán cà-phê, mỗi ngày bán được 20-30 ly”.

Dường như với những gia đình có người bị tai nạn giao thông, ngoài nỗi đau khôn cùng trước sự ra đi đột ngột của người thân, rất nhiều gia đình những người thân ở lại gần như là bế tắc việc mưu sinh. Đến nỗi có người quẫn trí “trốn chạy” bỏ lại cả con thơ, mẹ già như trường hợp gia đình nạn nhân Lê Văn Q., ở tổ 57C, phường Hòa Khánh Bắc, quận liên Chiểu. Năm 2012, anh Q. tử vong do tai nạn giao thông, sau một thời gian ngắn người vợ đã đành đoạn bỏ lại đứa con thơ và mẹ của anh ra đi biền biệt cho đến bây giờ.

Hoặc như trường hợp bà Trần Thị Anh, đã hơn 70 tuổi, ở nhà trọ trên đường Nguyễn Công Trứ, đi bán vé số nuôi bản thân vì không còn người thân thích, vậy mà tai nạn vẫn không buông tha. Sau vụ tai nạn giao thông bà bị gãy chân phải ở nhà trọ, trong sự đùm bọc cưu mang của những người bán vé số nghèo trong cùng xóm trọ.

Đến thăm và tận mắt chứng kiến gia cảnh khốn khó của những gia đình có người thân, là những trụ cột trong gia định bị chết vì tai nạn giao thông, trong tôi cứ mãi day dứt. Giá như, những người tham gia giao thông chỉ cần cẩn thận một chút thì đâu đến nỗi nhiều người ra đi một cách oan uổng và gia đình họ đâu chịu cảnh mất người thân và khốn khó đến thế.

Trần Luân Sơn

.