.
NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT (3-12)

Khi trẻ khuyết tật học nghề

.

Những cô bé, cậu bé bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, bị down... sao có thể làm được việc? Thế nhưng, tại Trường chuyên biệt Tương Lai ở Đà Nẵng, trẻ khuyết tật làm được những sản phẩm không thua kém người bình thường.

Dạy trẻ khuyết tật làm nhang tại Trường chuyên biệt Tương Lai.
Dạy trẻ khuyết tật làm nhang tại Trường chuyên biệt Tương Lai.

Mỗi em một việc

Sau những giờ học văn hóa buổi sáng, đến chiều, 13 học sinh lớp C6, Trường chuyên biệt Tương Lai bắt tay vào công việc khá mới mẻ và khiến các em rất thích thú: “sản xuất” nhang.

Gọi là “sản xuất” cho oai chứ thực ra chỉ hơn chục học sinh khuyết tật làm nhang trong một căn phòng nhỏ. Tuy nhiên, đối với các em, những việc tưởng như bình thường ấy lại vô cùng khó khăn.

Đầu tiên là trộn bột theo tỷ lệ thích hợp, viên bột bỏ vào máy để dập ra thành phẩm rồi đem phơi và đếm bỏ vào bao. “Chắc nghe về công đoạn làm nhang, một người bình thường sẽ bảo rằng có gì khó mà phải học, nhưng kỳ thực để dạy những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ làm thì không đơn giản.

Mình phải phân công công việc tùy khả năng của mỗi em”, cô giáo Trương Thị Ngọc Hà, giáo viên chủ nhiệm kiêm… dạy nghề lớp C6 cho biết.

Chẳng hạn, Anh Quân, Quang Hoàng, Hà Vân được cô phân công nhiệm vụ đếm nhang; còn Chí Hiếu, Minh Trung, Quang Tuệ phơi nhang. “Con rất thích làm nhang vì làm nhang rất vui. Từ nhỏ đến giờ, con chưa được làm nhang.

Ở nhà, bố mẹ không cho làm gì vì bảo con yếu nên không thể làm”, Hoàng Năng (16 tuổi) thổ lộ. Cậu bé bị động kinh và sức khỏe yếu nhưng tiếp thu rất nhanh. Chỉ cần cô Hà hướng dẫn một lần thì Năng đếm nhang và ngồi máy điều khiển làm nhang rất chính xác.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, cho biết trường có từ lớp 1 đến lớp 6, nhưng chỉ khi các em lên lớp 6, nhà trường mới mở lớp dạy làm nhang. Hiện có khoảng hơn 20 học sinh lớp 6 học và làm nhang.

Ngoài ra, trường còn có hơn chục em học nghề chăm sóc sắc đẹp ở cơ sở 2 tại đường Huy Cận. Trước đây, học sinh khuyết tật chỉ được học văn hóa và các kỹ năng nhưng từ năm nay, trường dạy thêm 2 nghề: làm nhang và chăm sóc sắc đẹp.

“Ở nhà, hầu hết phụ huynh đều nghĩ con mình khuyết tật, chậm phát triển thì làm được việc gì. Bởi vậy, nhiều người đã không tin các em có thể làm ra sản phẩm hoàn thiện. Chúng tôi muốn sau này, khi ra trường, các em có cái nghề để làm việc có ích, giảm bớt gánh nặng cho xã hội”, thầy Quy thổ lộ.

Sản phẩm made in... trường dạy trẻ khuyết tật

Ý tưởng tạo nghề cho các em ngay khi còn học ở trường là của thầy Nguyễn Duy Quy. Trước đây, khi học xong lớp 6 tại trường (trường chỉ dạy đến lớp 6), hầu hết các em trở về nhà và phụ huynh phải tìm người để chăm sóc các em.

Trăn trở mãi về điều này, thầy Quy muốn tìm nghề vừa nhẹ nhàng, vừa phù hợp với sức khỏe của các em. Trong nhiều tháng, thầy dạo khắp các cơ sở dạy nghề.

Rồi thầy chọn nghề làm nhang và nghề chăm sóc sắc đẹp. Có ý tưởng nhưng tiền đâu để thực hiện? Thầy Quy và các cộng sự tiếp tục gõ cửa các mạnh thường quân.

Có người thắc mắc: “Trẻ khuyết tật nặng thì làm được gì? Liệu có hiệu quả không”. Thầy trả lời: “Quan trọng là các em cảm thấy tự tin và vui sống khi thấy mình có ích”.

Ngay sau đó, Tổ chức hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (VNAH) đã hỗ trợ nhà trường 8 triệu đồng để mua máy làm nhang.

Đồng thời, Hội Cứu trợ quốc tế hỗ trợ 40 triệu đồng để trang bị phòng chăm sóc sắc đẹp gồm: ghế nằm gội đầu, máy sấy, hấp tóc… cho trường. Vẫn còn thiếu một chiếc máy trộn bột để làm nhang. Thầy Quy và ban giám hiệu nhà trường chưa biết tính sao thì tình cờ một cặp vợ chồng người Mỹ biết chuyện, tìm đến hỗ trợ 4 triệu đồng mua 1 chiếc máy trộn bột và 1,5 triệu đồng mua nguyên vật liệu.

Điều mà thầy Quy và các thầy cô khá bất ngờ là các em tiếp thu hào hứng nên sản phẩm làm ra nhanh và đẹp hơn dự tính. 1 bó nhang gồm 45 cây nhang chỉ có giá 5.000 đồng.

“Có lần, mình thấy bó nhang to và nặng bất thường nên kiểm tra thử thì thấy có đến… hơn 60 cây. Vậy là làm lại”, thầy Quy cười. Hiện nay, sản phẩm của nhà trường được các phụ huynh, thầy cô trong trường tiêu thụ và dự định đưa ra thị trường trong thời gian đến.

“Tiệm” chăm sóc sắc đẹp cũng vừa hoàn thành và đã có 5 em khuyết tật (khiếm thính) thạo nghề. Tuy nhiên, thầy Quy vẫn chưa cho các em mở cửa đón khách dù nhiều người dân xung quanh đến hỏi, bởi thầy muốn củng cố thêm cơ sở. Thu nhập từ các hoạt động này sẽ được đưa vào quỹ hoạt động ngoài giờ để tổ chức các hoạt động vui chơi cho chính các em.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.