Chính trị - Xã hội

Đứa con của rừng

14:57, 16/01/2016 (GMT+7)

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với núi rừng, dấu chân anh Trương Ngọc Túy (trú tổ 25A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) in khắp các mỏm đá, hốc cây, những lối ra vào khắp bán đảo Sơn Trà.

Thuở trai trẻ vẫy vùng, dân địa phương ví anh như con beo vì sự ranh ma, tinh quái trong việc săn bắt thú rừng, đốn hạ gỗ quý nhưng vẫn qua mặt lực lượng chức năng, thì giờ đây họ càng ngạc nhiên khi anh khoác trên vai một trọng trách không hề nhỏ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trở thành người dẫn đường, hỗ trợ không thể thiếu trong mỗi hành trình nghiên cứu sinh vật diễn ra trên bán đảo Sơn Trà.

Người nhỏ thó, mái tóc rối bù, xơ cứng, phải nhiều lần gặp gỡ, tỉ tê, anh Túy mới chịu mở lời về câu chuyện của bản thân. Vẫn chất giọng đốp chát, rắn rỏi, anh cho rằng, việc mình làm hiện tại cũng chỉ vì thích chứ không cao quý, ý nghĩa giống như nhiều người ca tụng…

Anh Trương Ngọc Túy (trái) tham gia dẫn đường đoàn nghiên cứu, bảo tồn.
Anh Trương Ngọc Túy (trái) tham gia dẫn đường đoàn nghiên cứu, bảo tồn.

Nông dân đi... bảo tồn

Một ngày cuối tháng 10, như thường lệ, chuyến khảo sát, nghiên cứu tập tính loài Voọc chà vá chân nâu của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) lại bắt đầu. Cả đoàn xuất phát khi trời còn nhá nhem, chạy xe lên đến đỉnh Bàn Cờ rồi cắt rừng đi bộ. Hướng về khu vực Hố Sâu ở phía lưng chừng núi, anh Túy quay lại nói cả nhóm: “Đây là một trong những khu vực Voọc xuất hiện rất nhiều, sáng ra chúng kéo cả đàn, chuyền cành liên tục để vui đùa, phơi nắng và tìm thức ăn”.

Cả đoàn đi hơn một giờ đồng hồ tiến về khu vực Hố Sâu thì quả nhiên, một đàn Voọc hơn 20 chục con đang phơi mình trong sương sớm. Dưới ánh mặt trời buổi bình minh xuyên qua kẽ lá, lấp lánh dưới giọt sương mai, đàn Voọc trở nên đẹp đến lạ lùng.

Dường như phát hiện có sự khác biệt, anh Túy thận trọng: “Trong đàn có con Voọc cái vừa mới sinh, nên cẩn thận không làm chúng hoảng sợ”. Theo kinh nghiệm hàng chục năm đi rừng, đối mặt với loài linh trưởng không biết bao nhiêu lần, anh Túy cho biết, thông thường con Voọc mới sinh sẽ mang con đi sau cùng của đàn dường như để cho an toàn khi có sự cố.

Trong số các loài động vật sinh sống trên bán đảo Sơn Trà, anh Túy cảm thấy thân thiết và am hiểu nhất loài Voọc chà vá. Thời trai trẻ đi rừng, đây là loài anh gặp nhiều nhất. “Chúng chuyền cành, vui đùa, thậm chí quay lại chọc cả mình nữa.

Rồi có khi chúng ngồi lại với nhau, nhìn nhau, miệng thì lẩm bẩm bằng những tiếng kêu lí nhí cứ như loài người chúng ta đang tổ chức hội họp vậy”, anh cười. Giữa núi rừng hoang vu, bốn bề cây cỏ phủ lối, không biết đã bao lần anh mải mê, say sưa chạy theo đàn voọc nhìn chúng vui đùa, đánh nhau, đến khi giật mình tỉnh ra thì trời đã nhá nhem tối, đàn voọc cũng đã… gật gù trên ngọn cây từ bao giờ.

Đối với lực lượng chức năng và chuyên môn, việc đánh dấu, phân loại địa giới khu vực trên bán đảo Sơn Trà bằng tọa độ, tiểu khu thì với anh Túy, nó in sâu trong trí nhớ bằng những địa điểm quen thuộc. Những khu vực Trại Thời, Đá Bườm, Hang Sỏi, Hố Bùn anh thuộc như lòng bàn tay.

Theo anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet, làm công tác nghiên cứu bảo tồn đòi hỏi có kiến thức và đam mê, nhưng cũng rất cần những con người có kinh nghiệm thực sự. “Sinh ra và lớn lên gắn với núi rừng Sơn Trà, anh Túy nắm rất rõ nơi này, chính điều đó đã giúp đoàn rất nhiều trong việc tìm hiểu tập tính của loài Voọc, những loài cây mà chúng làm thức ăn để từ đó chúng tôi có thêm những thông tin có ích hơn đối với loài động vật quý hiếm đang được cả thế giới nâng niu và ra sức bảo tồn này”, anh Vỹ nói.

Một trong những nhiệm vụ của các đoàn nghiên cứu là thu thập các mẫu lá cây, hoa quả loài Voọc thường ăn để tập trung nghiên cứu, tìm hiểu. Những lúc thế này, “người rừng” Trương Ngọc Túy là lựa chọn duy nhất. Rất chuyên nghiệp, anh thoăn thoắt chuyền cành và đáp đất một cách an toàn.

Từ khi công tác bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà được chú trọng, các đoàn chuyên gia, nghiên cứu tìm đến đây ngày càng nhiều. Họ len lỏi vào những khu vực hiểm nguy để tiến hành khảo sát, lấy mẫu.

Trong mỗi hành trình khám phá, tìm hiểu sinh vật trên bán đảo Sơn Trà, đồng hành với họ luôn có hình ảnh một người đàn ông gầy còm, nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, tỏ tường mọi lối ra, ngõ vào, những con đường tắt. Họ bắt đầu khi trời chưa sáng, trở về nhà lúc phố xá đã lên đèn, ăn vội miếng cơm lại tìm vào giấc ngủ say để lấy sức cho ngày mai.

“Cũng có chuyến đi kéo dài cả nửa tháng, đi theo các chuyên gia, các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Để ghi lại một khoảnh khắc quý hiếm, có khi phải nằm phục cả nửa ngày, khi sắp thành công thì chúng phát hiện ra chạy tán loạn”, anh kể.

“Người rừng” Trương Ngọc Túy thoăn thoắt, chuyền cành giúp các đoàn nghiên cứu lấy mẫu thức ăn loài voọc chà vá.
“Người rừng” Trương Ngọc Túy thoăn thoắt, chuyền cành giúp các đoàn nghiên cứu lấy mẫu thức ăn loài voọc chà vá.

Quá khứ buồn gác lại

Ít ai biết rằng, anh Túy từng là nỗi ám ảnh của muôn thú trên bán đảo Sơn Trà. Nhà gần núi, tuổi thơ anh Túy lớn lên với thiên nhiên, cây cỏ. “Ngày đó rừng còn rậm rạp, nhà không theo nghề biển nên từ nhỏ tui đã hướng lên rừng đi kiếm cái ăn. Nhỏ thì đi nhặt củi về cho gia đình, lớn lên thì bắt đầu tập tành làm bẫy bắt thú”, anh Túy kể.

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế chung của cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn, nhà làm nông không đủ ăn, trong khi núi rừng Sơn Trà thì chim muông đầy rẫy. Chàng thanh niên Trương Ngọc Túy cũng vừa bước vào tuổi 18, đôi mươi đã nghĩ ngay đến việc đi săn thú rừng để phụ giúp gia đình cải thiện cuộc sống.

Ngày đó, thiên nhiên còn trù phú và công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên rừng vẫn chưa được chú trọng và quan tâm đầu tư như bây giờ. Việc săn bắt thú rừng của Túy diễn ra rất thuận lợi. “Ngày nào lên rừng đặt bẫy cũng mang về bao nhiêu là chồn, heo rừng, tê tê. Các nhà hàng, quán ăn biết đều tìm đến, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu”, anh nhớ lại.

Không chỉ săn bắt các loài thú, anh còn đốn hạ cả cây rừng để cung cấp gỗ cho người dân địa phương. Những năm 1990 - 1993, người dân các phường Mân Thái, Thọ Quang bắt đầu đẩy mạnh việc đóng các loại ghe, thuyền cỡ nhỏ để đánh bắt hải sản gần bờ.

Họ tìm đến anh để đặt mua các loại gỗ vì anh luôn biết cách qua mắt lực lượng giữ rừng để đưa gỗ ra khỏi rừng trót lọt. Những cửa rừng, khu vực có gỗ, các loài thú và thậm chí giờ giấc hoạt động của lực lượng chức năng anh thuộc như lòng bàn tay.

Đi riết rồi quen, dấu chân anh len lỏi khắp núi rừng, chui vào những khu rậm rạp nhất để đặt bẫy, leo lên những mỏm đá cao, cheo leo hiểm trở nhất để quan sát, tìm nơi trú ngụ của muôn thú. Túy Beo, cái tên một thời người dân địa phương vẫn gọi anh bằng cả sự thán phục lẫn chê trách.

“Nhưng tuổi trẻ đâu nghĩ ngợi gì nhiều, cuộc sống lại khó khăn, có cái mang lại thu nhập để duy trì cuộc sống là may lắm rồi, chuyện phạm pháp hay đạo đức tính sau. Sau này vợ cũng có khuyên nên từ bỏ nghề này nhưng thú thực, mình từ nhỏ đã quen và chỉ có mỗi công việc này. Từ bỏ thì biết lấy gì sống”, anh kể.

Mãi đến những năm 2000, khi gia đình bên ngoại cho mượn một ít vốn để làm ăn anh mới xa rời dần dần và sau đó là bỏ hẳn việc đi bẫy thú rừng. Hai vợ chồng tập tành buôn bán đủ thứ nhưng rồi cũng thua lỗ triền miên vì không quen tay.

Khi các trung tâm về sinh vật học bắt đầu việc nghiên cứu bán đảo Sơn Trà, trong đó tích cực bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu anh vẫn đang trong cơn “khủng hoảng”. Việc làm không có, kinh doanh lại thua lỗ nên khi được các chuyên gia đề nghị hợp tác, anh vui vẻ nhận lời. 

Việc tham gia công tác bảo tồn cùng các đoàn, trung tâm, chuyên gia, theo anh Túy, đó cũng là một cái duyên thể hiện mối gắn kết của anh với núi rừng Sơn Trà. Chỉ có điều, mỗi bước chân anh năm xưa rón rén, luồn qua bao lau lách, bụi rậm, thậm chí nín thở, nằm mình để thoát thân, thì nay, người đàn ông tuổi ngoài 40 lại bước đi thong dong, đĩnh đạc, khoan khoái ngắm nhìn mây trời và cảm thấy sung sướng khi sinh vật trên bán đảo Sơn Trà đang được nâng niu và hồi phục mỗi ngày.

Vì công việc của các đoàn bảo tồn không thường xuyên nên phần lớn thời gian anh Túy vẫn ở nhà và loay hoay trong việc tìm kiếm việc làm duy trì cuộc sống. Thỉnh thoảng nhớ rừng, nhớ mùi mủ cây chò chỉ và tảng đá rộng bằng nửa ngôi nhà trên đỉnh Con Ốc, anh lại đùm cơm, nhét thêm bộ áo quần sờn vai và lên đường.

“Món quà” ngày về cho vợ con không phải là con chồn hương dính bẫy đang ngắc ngoải vì kiệt sức hay chú tê tê cuộn tròn giả chết như năm xưa mà là một ít mật ong rừng nguyên chất, vài ba cây cảnh bonsai bằng nắm tay làm quà cho các cụ già trong xóm.

Thậm chí còn có cả một nắm bẫy thú rừng mà những kẻ lạ đã đặt khắp núi rừng, trên những lối đi quen thuộc của muôn thú. “Khoảng 7-8 năm nay rừng Sơn Trà hồi phục thấy rõ nhưng vẫn còn đó tình trạng săn bắt thú rừng. Ai rồi cũng có sai lầm, có khi nhận ra được thì đã quá muộn và hậu quả cũng rất lớn. Người đi săn thú rừng là một ví dụ. Phải làm sao để ngăn chặn chuyện này từ đầu mới là điều khó”, anh Túy trăn trở.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.