Chính trị - Xã hội

90 năm Ngày mất của Phan Châu Trinh (24-3-1926 – 24-3-2016)

Phan Châu Trinh, nhà cách mạng chính trị đầu tiên ở nước ta

08:19, 24/03/2016 (GMT+7)

(Tiếp theo và hết)

Trước hết Phan và các đồng chí đã rất thành công trong truyền bá tư tưởng duy tân.

Chúng ta đều biết tân thư đã đem đến sự thay đổi sâu sắc trong tâm não, trong đời sống của các nhà duy tân.

Nhà lưu niệm Cụ Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng. 					Ảnh: HOÀNG NHUNG
Nhà lưu niệm Cụ Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Trần Quý Cáp là một điển hình “Tân thư nhất lãm thùy song lệ” (Tân thư mới đọc nước mắt đã tuôn chảy). Ông không còn là một tiến sĩ nho nhã mà đã trở thành một con người khác. Ông cắt tóc ngắn, mặc âu phục đi diễn thuyết khắp nơi dù đó là quán nước bến thuyền có hàng trăm người tụ tập hay chỉ có năm ba người nghe.

Có người quá bất ngờ trước phong cách và nội dung của thuyết khách, cho là ông bị cuồng. Tổng đốc Quảng Nam phải ra lệnh ‘Trần Quý Cáp giáo thụ ở Thăng Bình mặc âu phục, đi lại các xã, đánh trống tụ tập dân diễn thuyết. Nay cấm Trần Quý Cáp không được làm thế”.

Tư tưởng duy tân đến với đông đảo quần chúng bằng diễn thuyết và thơ văn (lúc ấy chưa có một hệ thống thông tin đại chúng rộng khắp và lợi hại như hiện nay). Các nhà duy tân có viết báo, viết các kiến nghị gửi cho nhà cầm quyền, nhưng có hiệu quả hơn cả có lẽ là các cuộc diễn thuyết và các bài thơ lục bát, song thất lục bát tha thiết hùng hồn dễ nhớ, dễ thuộc đi vào lòng người và mau chóng lan tỏa.
Phan Châu Trinh đã diễn thuyết bao nhiêu cuộc, ở những đâu chúng ta không thể nắm được. Chắc chắn ông có góp phần làm nên sự sôi động:

Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa
của Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội.

Sau khi Phan bị bắt, một lá thư với 182 chữ ký của nông dân Thái Bình gửi các quan cai trị Pháp có đoạn viết “trước đây chúng tôi như mọi rợ không ai biết luật pháp quốc tế. Nhờ có Phan Châu Trinh (qua các cuộc diễn thuyết) chúng tôi mới hiểu ý nghĩa của tự do. Sự việc đó (bắt Phan) làm chúng tôi có cảm tưởng là Chính phủ không ưa những người yêu thích tự do, và chỉ muốn đất nước chúng tôi kiệt quệ, nòi giống An Nam bị tuyệt diệt”.
Có thể nói, hiệu quả của các cuộc diễn thuyết, của văn thơ Phan, đúng như Phan Bội Châu ca ngợi:

Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng nhà cầm quyền
             trông gió đã gai ghê
Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng cửa dân chủ
                       treo đèn thêm sáng chói.

Kết quả của việc truyền bá phát huy tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền và phát động phong trào duy tân là rất đặc biệt. Chỉ trong một thời gian ngắn một cuộc cách mạng tân văn hóa đã diễn ra sâu rộng sôi động ở Quảng Nam rồi lan ra khắp miền Trung và cả nước.

Có những điều kỳ lạ như về giáo dục. Các nhà duy tân bài xích lối học từ chương bát cổ, hô hào thực học. Thế là ở Quảng Nam có hơn 40 trường kiểu mới được mở ra, có trường thu hút hàng trăm học sinh trong đó có nhiều nữ sinh. Các trường này dạy chữ Quốc ngữ.

Tất cả do dân lập, dân lo liệu cơ sở vật chất, lo giáo viên và các giáo viên lo chương trình sách giáo khoa. Thầy dạy, trò học không theo khuôn phép cũ mà có những môn học mới như bác vật (khoa học tự nhiên)... lịch sử, địa lý Việt Nam và thế giới.

Học sinh còn được học ngoại ngữ tiếng Pháp, tiếng Nhật, được học thể dục và võ thuật. Nhiều trường tổ chức đời sống nội trú khá chu đáo. Có trường còn thực hiện thả canh thả học, ngày nay ta gọi là vừa học vừa làm.

Trong điều kiện bị chính quyền thực dân và Nam Triều o ép, lại bị bưng bít thông tin, chưa có sự giao tiếp học hỏi nền giáo dục tiến bộ ở các nước văn minh, các nhà duy tân chỉ có trong tay một số tân thư ít ỏi không có hệ thống vậy mà từ yêu cầu đổi mới để cứu nước, Phan và các đồng chí đã tiến hành rất thành công một cuộc chấn hưng, một cuộc cách mạng giáo dục, đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề về giáo dục.

Về cách làm ăn, Phan và các nhà duy tân chủ trương đổi mới cách làm ăn tổ chức các nông hội trồng quế, tiêu, chè, trồng dâu nuôi tằm, trồng dương liễu (phi lao, một loại cây chắn gió cát mới di thực vào nước ta), tổ chức các thương hội, thương cuộc, các hợp thương, quốc thương các công ty ở Phong Thử, Hội An, Huế, Nghệ An, Phan Thiết...

Công ty Liên Thành còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều quan điểm tư tưởng mới về kinh doanh được Phan và các nhà duy tân phổ biến, như phải có chí mạo hiểm, không được cất giữ chôn dấu tiền bạc, đồng tiền phải được lưu thông, phải góp vốn lập công ty làm ăn, phải học nghề cho tinh thông và phải biết sử dụng máy móc...

Về cách sống, phong trào duy tân đề xướng việc cắt tóc ngắn, mặc âu phục, bài trừ hủ tục. Những việc làm này đều được xem là đổi mới, cho văn minh tiến bộ. Cắt tóc chính là “cắt bỏ cái ngu này, cái dại này”. Thực dân và vua quan Nam triều gọi là những người cắt tóc là giặc cắt tóc.

Những cống hiến của Phan và các nhà duy tân trong hình thành và truyền bá tư tưởng duy tân, khởi xướng và tổ chức phong trào duy tân đều gắn với nội dung thức tỉnh, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí cứu nước, làm sao cho đất nước độc lập tự cường, thoát khỏi cảnh yếu hèn lạc hậu, và đều khẳng định nêu cao vai trò của nhân dân:

Dân ta là thánh là thần

Bền gan chắc dạ quỷ thần phải kinh

Và cái gì phải đến đã đến. Một cuộc nổi dậy rộng lớn chống sưu cao, thuế nặng của hàng vạn nông dân Quảng Nam và miền Trung bùng nổ với bạo lực chính trị quyết liệt mạnh mẽ. Thực dân và tay sai đã đàn áp dã man những người nổi dậy và cả những nhà duy tân mà chúng cho là những phần tử xúi dục cuộc đấu tranh.

Trần Huy Liệu có nhận xét : “Tất cả mọi khẩu hiệu của phong trào duy tân đều đi đến chỗ đề cao lòng yêu nước, đoàn kết vươn lên một thế giới mới. Những quan điểm này khi còn nằm trong đầu óc người sĩ phu thì cố nhiên là hiền lành êm ả không bạo động. Nhưng khi nó vào với nông dân, những người bị khốn khổ vì sưu cao, thuế nặng vì đi phu, đi lính, vì quan lại hào lý sách nhiễu thời nó không ngoan ngoãn nữa, nó phải phát tiết những căm hờn đang nung nấu, nó phải lồng lên”.

Những sự kiện diễn ra xung quanh cái chết và đám tang Phan, quy mô chưa từng có của một cuộc tập hợp và biểu dương lực lượng yêu nước và dân chủ ở Sài Gòn, các cuộc bãi công, bãi thị, bãi khoá, các lễ truy điệu ở khắp nơi trong nước, sự nhất trí ca ngợi tôn vinh qua hàng trăm bài văn tế, lời điếu, trướng liễn và một hệ quả mà những người tổ chức lễ tang (cả bọn thực dân) không lường hết được “Truy điệu Tây Hồ nhật thức tỉnh quốc dân hồn” dẫn đến sự lên đường của cả một thế hệ. Đúng như học giả Hoàng Xuân Hãn nhận định đó là một big bang.

Rất tiếc là sau đó mấy thập kỷ, khi cách mạng đã giành được thắng lợi ở nửa nước, trong giới nghiên cứu theo quan điểm chính thống đã có một số người phê phán Phan Châu Trinh là cải lương, là sợ bạo động, mơ hồ về bản chất thực dân của đế quốc Pháp, là tách khỏi truyền thống lâu đời của cha ông trong đấu tranh chống ngoại xâm: vũ trang khởi nghĩa...

Cũng cần nói rõ là những năm gần đây, từ cuộc hội thảo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng (1992), trong không khí dân chủ cởi mở của thời kỳ đổi mới và với những tư liệu mới thu thập được về thân thế sự nghiệp Phan, xu hướng này đã có sự thay đổi điều chỉnh.

Những ngày này cả nước đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với mong muốn đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện hơn để đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta càng thấy những bài học về tư tưởng, những vấn đề mà Phan Châu Trinh nêu ra trong cuộc vận động duy tân vẫn tươi nguyên sức sống.

Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng “đường lối khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đường lối chống chủ nghĩa thực dân Pháp giành lại độc lập tự chủ, lập chế độ quân chủ lập hiến hay chế độ cộng hòa dân chủ và đưa đất nước phát triển theo Tây phương thực chất là tư tưởng tư sản chứ không phải là cái gì khác. Nhưng đối với Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng, tư tưởng dân chủ tư sản lúc đó hãy còn đóng vai trò cách mạng, còn có ý nghĩa cách mạng”.

Cuộc cách mạng dân chủ tư sản gắn bó sự nghiệp giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX mà phong trào duy tân với Phan vị chủ tướng là một bộ phận, một bước đi quan trọng diễn ra trong điều kiện ở nước ta nền kinh tế tư bản chưa phát triển, giai cấp tư sản chưa hình thành, lực lượng lãnh đạo là các sĩ phu xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, giác ngộ tân thư chứ không phải là các trí trức tư sản.

Vì những lẽ đó và như chúng ta ai cũng biết phong trào duy tân rất sôi động mạnh mẽ nhưng phạm vi của nó không rộng, thời gian tồn tại chỉ 3 - 4 năm sau đó đã bị đàn áp rất dã man nên nhiều mục tiêu, nội dung của cuộc cách mạng này chưa được thực hiện.

Tiếp nối phong trào duy tân, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng ta lãnh đạo, đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám rồi tiến hành các cuộc kháng chiến thần thánh đánh thắng hai đế quốc to, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi vào kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.

Trong cuốn Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử viết ngay sau khi Phan qua đời với tinh thần cái quan định luận, Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định “nhân cách tiên sinh, học thức cao, tài chí đủ, tính chất bền, ngôn ngữ giỏi ai cũng biết cả”, “trước sau ôm một cái chủ nghĩa xướng minh nhân quyền đả phá chuyên chế, danh vị lợi lộc không dỗ dành được, cực khổ không sai dời được, cho đến gươm kề trên cổ, súng chỉ trước hông cũng không chút nào lay chuyển”, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng “tiên sinh không những là một người chí sĩ yêu nước mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên nước Việt Nam ta vậy”.

(Việt Nam chánh trị cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi vị cũng là những chữ mà Hội đồng trị sự lo đám tang - ban tang lễ - thống nhất yêu cầu viết trên bài vị và trên những tấm băng được đoàn người dự lễ tang mang theo. Yêu cầu này đã được thực hiện nghiêm túc).

Chúng ta không chỉ thấy chất chính trị cách mạng gia ở cái chủ nghĩa mà Phan Châu Trinh trước sau ôm ấp, chất cách mạng ấy cũng thể hiện rất rõ trong tính cách đặc biệt của Phan.

Huỳnh Thúc Kháng có kể một câu chuyện. Sau ngày Phan về nước, nhiều người, nhiều giới chức đến thăm hỏi, trò chuyện. Có người nói với Phan “Đối với cụ thì người ta không làm gì được. Nhưng mà chúng tôi thì một tiếng cứng, một việc nhỏ mọn cũng có thể bị thêu dệt thêm ra mà bắt bớ, hình phạt”, Phan đã trả lời “Miễn các anh hiểu rõ và có lòng kiên trì để nói, để làm là được. Còn làm chính trị ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, nếu sợ khó khăn sợ bắt, sợ tù, thì làm sao được. Dân ta bây giờ là dân mất nước, nếu muốn lấy lại được nước mà sợ tù tội thì làm sao nổi. Phải biết chắc chắn cái quyền tự do là quyền của mình, không phải xin ai mà có, không phải của người ta cho”.

Bà Phan Châu Liên, con gái Phan Châu Trinh có nhớ và ghi một chuyện. Trong những ngày sắp mất, sức khỏe đã suy kiệt, ông vẫn nói và nói rất to, lời nói tựa như trong tâm can vọt ra, chứ không phải từ thể xác một người đã gần đất xa trời.

Một hôm có hai người Bắc ăn mặc lịch sự, đi xe hơi sang trọng tới thăm, nói với Phan : “Thưa cụ, chúng cháu nghe danh cụ từ Bắc vào đây thăm cụ, chúc cụ mau mạnh để hoạt động hộ cho con dân nhờ”. Tức thì Phan nộ luôn “Tôi hộ cái chi, các anh trẻ trung to lớn mà không làm chi lại trông ngóng ở một thằng già gần chết. Trông ngóng cái chi”.

Với Phan rõ ràng làm một người yêu nước, một người duy tân là làm một người cách mạng phải có khí phách, có bản lĩnh. Phải chăng đây cũng là bài học cập nhật, nóng hổi đối với chúng ta.

N.Đ.A

.