Chính trị - Xã hội

Cùng nắm tay trên đường phát triển

07:57, 29/03/2016 (GMT+7)

Sự phát triển của Đà Nẵng cũng là sự phát triển của Quảng Nam và ngược lại. Với quan điểm này, mới đây, lãnh đạo hai địa phương đã có cuộc bàn thảo và ký kết chương trình hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, chương trình hợp tác nhấn mạnh công tác phối hợp triển khai quy hoạch không gian đô thị cùng phát triển mà không bị ngăn cách bởi địa giới hành chính, đồng thời phát triển tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để hỗ trợ nhau trong lĩnh vực kinh tế.

Cầu Cửa Đại khánh thành ngày 27-3 vừa qua là gạch nối dài tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An, thúc đẩy giao thông giữa hai địa phương. Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Cầu Cửa Đại khánh thành ngày 27-3 vừa qua là gạch nối dài tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An, thúc đẩy giao thông giữa hai địa phương. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Kết nối hạ tầng giao thông, không gian đô thị

Hai địa phương sẽ phối hợp triển khai lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm của hai địa phương. Hai bên sẽ thực hiện quy hoạch chung không gian đô thị, đặc biệt là các vùng đô thị Đà Nẵng-Hội An-Điện Bàn.

Theo định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam tiến hành xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung điều phối phát triển vùng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch của hai địa phương.

Về giao thông, hai địa phương sẽ tiến hành lập quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến sông chảy qua Quảng Nam, Đà Nẵng: sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Ái Nghĩa. Đặc biệt lãnh đạo hai địa phương quan tâm dự án khơi thông sông Cổ Cò phục vụ phát triển du lịch.

Hiện đoạn sông Cổ Cò qua Đà Nẵng cơ bản đã được nạo vét, khơi thông. Thành phố đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng vệt sử dụng đất ven sông khớp nối sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự án sông Cổ Cò (đoạn từ cầu Biện đến dự án Khu đô thị FPT). Đoạn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam (dài 17,9km) chưa được triển khai. Đây là dự án cần nguồn đầu tư kinh phí lớn. Phía Đà Nẵng đề nghị nghiên cứu áp dụng mô hình đầu tư hợp tác công-tư PPP.

Về giao thông đường bộ, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp triển khai quy hoạch, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế kết nối, phát huy tối đa tiềm năng của hai địa phương. Cụ thể, nghiên cứu phát triển tuyến xe buýt công cộng BRT Đà Nẵng-Hội An mà hiện nay Đà Nẵng đã triển khai đến Làng Đại học, giáp với Quảng Nam.

Đà Nẵng tiếp tục phối hợp hỗ trợ xây dựng đường Mai Đăng Chơn nối dài giáp Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT605 trên địa bàn tỉnh (đoạn từ cao tốc đến ĐT609) kết nối giao thông hai địa phương.

Hai bên thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B (đoạn Túy Loan-cầu Hà Nha), quốc lộ 14G (đoạn Túy Loan-thị trấn Prao), quốc lộ 14D thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây 2… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai địa phương đã thống nhất đề nghị chọn tuyến quốc lộ 1A đoạn từ thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang đến địa phận phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để xem xét đặt tên đường Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hợp tác phát triển kinh tế, du lịch

Lãnh đạo hai địa phương thống nhất mục tiêu phối hợp khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của hai bên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Theo đó, hai bên thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư dự án khơi thông sông Cổ Cò và hệ thống hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch đường sông; thống nhất kiến nghị Trung ương nâng cấp cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế.

Tỉnh Quảng Nam xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, qua đó đẩy mạnh khai thác khách du lịch đường bộ từ Lào, Myanmar… vào Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh khác, thúc đẩy phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức. Hai bên tích cực đẩy mạnh hợp tác, liên kết, kết nối cung - cầu phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai-Trường Hải và một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô-tô như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (sản xuất săm lốp ô-tô), Công ty TNHH TCIE Việt Nam (sản xuất và lắp ráp ô-tô Nissan), Công ty CP Công nghiệp NBB (sản xuất lọc gió, lọc dầu, lọc nhớt)…

Đà Nẵng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm phát triển phần mềm, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin do Đà Nẵng cung cấp.

Về du lịch, hai bên tiếp tục phát huy thành công các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch: “Ba địa phương-Một điểm đến” cùng tỉnh Thừa Thiên-Huế, khai thác “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây…

Năm 2016, Quảng Nam là trưởng nhóm liên kết xây dựng kế hoạch phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch của 3 địa phương. Lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị: Năm 2017, tại Đà Nẵng sẽ có sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của 21 nguyên thủ thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và khoảng 1.000 giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia.

Đây là một cơ hội lớn không chỉ dành riêng cho Đà Nẵng mà còn là cơ hội của các địa phương lân cận. Các địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt để xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài.

Gần 20 năm Quảng Nam-Đà Nẵng thực hiện chủ trương của Trung ương chia tách đơn vị hành chính để phát triển, cũng trong khoảng thời gian đó, tình cảm gắn bó sắt son giữa lãnh đạo và nhân dân hai địa phương cùng một truyền thống “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ” năm xưa vẫn không hề phai nhạt, tiếp tục kề vai, sát cánh để cùng phát triển.

ĐOÀN SƠN

.