Chính trị - Xã hội

Đề nghị cơ chế đặc biệt bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa

14:12, 14/03/2016 (GMT+7)

ĐNĐT – "Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, để phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, cần phải có cơ chế đặc biệt cho phép Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội và HĐND các cấp".

a
Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Trần Thọ đề nghị phải có cơ chế đặc biệt cho phép Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa

Đây là kiến nghị của thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc sáng 14-3 giữa Ủy ban Bầu cử thành phố với Đoàn giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội làm trưởng đoàn.

Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Trần Thọ nêu lý do: Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND huyện phải do HĐND cùng cấp bầu. Do đặc điểm tình hình của Hoàng Sa, Trung ương cần có cơ chế đặc biệt cho phép Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa theo nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội và HĐND các cấp; không phải theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là Chủ tịch UBND huyện do HĐND cùng cấp bầu.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Võ Ngọc Đồng cho hay, thành phố đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử thành phố tại buổi làm việc, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra đảm bảo đúng lịch trình bầu cử.

Thành phố đã hoàn thành bước hiệp thương lần 1 thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Đà Nẵng và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trên cơ sở được phân bổ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu 10 người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (chưa tính 2 người do Trung ương giới thiệu về), 93 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX.

Tính đến hạn chót là 17 giờ ngày 13-3, bên cạnh những người được giới thiệu ứng cử, thành phố có 3 người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 5 người nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX.

Ủy ban Bầu cử 7 quận, huyện (chưa tính Hoàng Sa) đã tiếp nhận 449 hồ sơ ứng cử; 56 phường, xã tiếp nhận 2.781 hồ sơ ứng cử, trong đó có 1 trường hợp tự ứng cử HĐND phường An Khê (quận Thanh Khê).

Thành phố đã ban hành kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền, công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trong cuộc bầu cử ở thành phố.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao công tác triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của thành phố Đà Nẵng. Thành phố cần lưu ý tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử, công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phòng ngừa và có phương án xử lý nhanh, dứt điểm các tình huống ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn trong cuộc bầu cử.

Tin và ảnh: S.TRUNG

.