Thời sự và bàn luận

Niềm tin bất tử với Gạc Ma

07:53, 14/03/2016 (GMT+7)

Cách đây 28 năm, ngày 14-3-1988, Trung Quốc vô cớ dùng vũ lực đánh chiếm đảo chìm Gạc Ma và các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Trong trận chiến kiên cường bảo vệ đảo, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống, trong đó có 9 người con của thành phố Đà Nẵng.

Những ngày này, tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác đều có nhiều hoạt động thăm hỏi gia đình, tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ đã hòa tan thân xác vào sóng nước Trường Sa. Lễ bố trí căn hộ chung cư cho anh Vũ Xuân Khoa, con trai của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604 hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và Cô Lin năm ấy được tổ chức trang trọng mà đầm ấm hôm 12-3, cũng là một trong những sự quan tâm đầy tình thương và trách nhiệm ấy của thế hệ hôm nay.

Tình cờ biết được anh Vũ Xuân Khoa, con trai liệt sĩ Vũ Phi Trừ được đơn vị phân công từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng công tác nhưng gặp khó khăn về chỗ ở, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trực tiếp trao quyết định bố trí căn hộ cho bà quả phụ Nguyễn Thị Tần, vợ liệt sĩ Vũ Phi Trừ và con trai là Vũ Xuân Khoa.

Cũng ngắn gọn nhưng đầy tình cảm, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhắn nhủ: Mong chị Tần, anh Khoa nhận căn hộ này như tấm lòng tri ân của chúng tôi, mong chị vui vẻ, mạnh khỏe, lạc quan yêu đời góp phần nuôi dạy con cháu, như vậy ở trong lòng đại dương bao la, anh Trừ sẽ rất yên lòng. Anh Khoa cố gắng công tác thật tốt, đã là cư dân Đà Nẵng thì cùng thành phố góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh và đẹp hơn.

Nghĩa cử ấy, cùng với nhiều hoạt động diễn ra trên khắp cả nước những ngày gần đây hướng về “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma, cho thấy một tình yêu quê hương đất nước luôn cháy bỏng trong mỗi người dân Việt. Trong đó, luôn hiển hiện hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa, dù một phần máu thịt còn nằm trong tay ngoại bang.

Tình yêu ấy càng bùng cháy và đau đáu hơn trước những động thái ngày càng mang tính chất bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông như bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa các đảo chìm nhằm hiện thực hóa tham vọng chiếm đoạt Biển Đông.

Phản đối hành động của Trung Quốc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có những phát biểu, tuyên bố thể hiện thái độ phản đối cương quyết, quan điểm nhất quán về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam kiên trì đường lối đấu tranh hòa bình, bằng luật pháp quốc tế, bằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chính nghĩa của cuộc đấu tranh này. Cuộc đấu tranh xác định sẽ lâu dài, bền bỉ, có thể qua nhiều thế hệ.

Để sự hy sinh của các liệt sĩ không bao giờ bị lãng quên, cần phải đưa trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ngày 14-3-1988, trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 19-2-1979, trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam ngày 19-1-1974 vào sách giáo khoa bộ môn lịch sử.

Các thế hệ người Việt Nam sau này cần phải biết tường tận lịch sử nước nhà, hiểu được nguyên cớ một phần lãnh thổ Tổ quốc đang bị chiếm giữ bất hợp pháp bắt nguồn từ đâu. Kiến thức từ sách giáo khoa lịch sử ở các cấp học đã cho các em học sinh, sinh viên biết và hiểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm chống giặc phương Bắc xâm lược cho đến hai cuộc kháng chiến đánh thắng hai đế quốc to.

Đánh thắng quân xâm lược xong, cha ông ta luôn lấy tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi) để xây dựng mối bang giao hòa hiếu với nước láng giềng.

Tri ân các liệt sĩ Gạc Ma, toàn thể người dân Việt Nam đang chung tay đoàn kết thể hiện thành hành động trong cuộc sống. Mỗi người có công việc, nhiệm vụ khác nhau, có những đóng góp khác nhau nhưng đều vì sự phồn thịnh kinh tế-xã hội, hùng mạnh và ổn định về quốc phòng-an ninh cũng như nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Có như vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ trọn vẹn chủ quyền đất nước mới đi đến ngày thành công!

HOÀNG ANH – KIM NGÂN

.