Chính trị - Xã hội

Trên quê hương Hòa Phong anh hùng

07:59, 29/03/2016 (GMT+7)

Về Hòa Phong, huyện Hòa Vang vào những ngày tháng 3 lịch sử, đi trên những con đường thảm bê-tông phẳng lỳ, chứng kiến kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện, đồng bộ, đời sống người dân đổi thay nhanh chóng, càng khâm phục ý chí, nghị lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã trung du này khi chỉ sau 5 năm xây dựng nông thôn mới đã biến các làng quê nghèo khó ngày nào thành các thôn trù phú.

Bộ mặt làng quê thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong.
Bộ mặt làng quê thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong.

Từ Trung tâm Hành chính xã, xuôi theo đường ADB 5, rẽ trái vào đường thảm bê-tông rộng 7 mét mới mở băng qua hồ sen, thôn Bồ Bản 1 hiện ra trước mắt như bức tranh tuyệt đẹp. Những ngôi nhà xây kiên cố còn nguyên màu sơn mới càng nổi bật trước thảm lúa xanh ngắt.

Dọc hai bên đường, các dãy tường rào, cổng ngõ nối liền nhau tạo cảnh quan làng quê thật ấn tượng. Trước ngôi nhà 2 tầng khang trang, chị Trần Thị Cống, điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương, cho biết: “Thôn này là vùng thấp trũng, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Trước đây, khi chưa triển khai xây dựng nông thôn mới, sản xuất cũng bấp bênh lắm. Đường sá thì vừa nhỏ vừa lổn nhổn đất đá. Nay, như các anh đã thấy, đường làng ngõ xóm nơi nào cũng thoáng rộng, thảm bê-tông phẳng lỳ; nhà cửa khang trang, sản xuất phát triển. Ở thôn này, không ít hộ đầu tư xây nhà tiền tỷ. Hộ có thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm như gia đình tôi không hiếm...”, chị Cống cho biết.

Không như Bồ Bản 1, người dân thôn Túy Loan Đông 1 làm giàu từ thương mại dịch vụ (TMDV) là chủ yếu. Phát huy lợi thế chợ Túy Loan, chợ lâu đời và lớn nhất huyện, nhiều gia đình mở dịch vụ buôn bán. Nhà cửa ở đây đa số xây tầng liền nhau chẳng khác gì phố xá.

Ông Nguyễn Hạnh, trưởng thôn cho biết: “Trong số 315 hộ, hơn 90% phát triển kinh tế bằng ngành nghề thủ công và TMDV. Bà con ở đây rất năng động và nhạy bén, ai nấy đều nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế.  Để có dịch vụ cưới hỏi như hiện nay, ông Mai Văn Hoàng đã trải qua khá nhiều nghề.

Mấy năm nay, đều đều ông có thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/tháng. Hiện tại, không chỉ ở nhà tầng, có xe con mà con cái ăn học đến nơi đến chốn; trong 5 người, 3 người đã tốt nghiệp đại học, 1 người du học ở Hàn Quốc, 1 người đang học lớp 9. Ở Túy Loan Đông 1 có hơn 70% hộ xây nhà tầng, 100% kiệt xóm đã thảm bê-tông, đêm đến đèn cao áp sáng trưng”.

Ở thôn Dương Lâm 1 có hàng chục hộ ở khu phố chợ Túy Loan, phần lớn nhà cửa đều xây tầng và cơ sở hạ tầng y như đô thị.  Anh Nguyễn Đình Hòa, trưởng thôn cho biết: “Thôn có 140 hộ thì có hơn 80 hộ đang ở nhà tầng. Cùng với sản xuất nông nghiệp, DVTM rất phát triển. Nhờ vậy, đời sống người dân đổi thay nhanh chóng. Tính sơ sơ toàn thôn có gần chục chiếc ô-tô các loại. Ở thôn này, đêm đến, kiệt hẻm nào cũng sáng trưng nhờ hệ thống đèn đường khá hoàn thiện từ sự đóng góp của người dân”.

Nam Thành - thôn miền núi của xã Hòa Phong, nơi ghi dấu chiến tích là địa phương đầu tiên của Khu 5 bắt sống giặc Mỹ cũng đã khoác thêm áo mới sau 5 năm xây dựng nông thôn mới. Cùng với kết cấu hạ tầng hoàn thiện, nhờ làm giàu từ kinh tế rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm, thả cá nước ngọt... ai nấy đua nhau đập bỏ nhà cấp 4 cũ kỹ, xây nhà mới khang trang, từ đó bộ mặt thôn miền núi này trù phú.

Đến thăm một số mô hình kinh tế tiêu biểu, mới hiểu sâu sắc hơn nguyên do sự đổi thay của thôn vốn là vùng kinh tế mới này. Ông Hồ Minh Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Minh có biệt thự 3 tầng khang trang bề thế xây dựng trên khuôn viên rộng rãi, được tô điểm bằng nhiều loại cây cảnh giá trị.

Ông Nguyễn Nhân, cán bộ về hưu, có 3-4 ao nuôi cá, tổng diện tích 5.000m2, mỗi năm thu hàng chục tấn cá, đem lại nguồn lợi 300-400 triệu đồng... Nói về thành quả xây dựng nông thôn mới của Nam Thành, Trưởng thôn Nguyễn Trung cho biết: Hiện tại hộ nghèo theo chuẩn cũ đã xóa hết, ít nhất 30% trong số 193 hộ toàn thôn xây nhà tầng, hoặc nhà kiên cố. Toàn thôn có 2 doanh nghiệp, 17 ô-tô các loại...

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho hay: “Xã đã về đích xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2014. Đạt thành tựu nổi bật này, 5 năm qua, Hòa Phong đã huy động cả hệ thống chính trị địa phương, phát huy cao độ sức dân với sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng.

Trong tổng số hơn 300 tỷ đồng đã đầu tư có sự đóng góp hơn 64 tỷ đồng của nhân dân địa phương. Kết quả đạt được rất đáng tự hào. Tuy vậy, chúng tôi chưa thật sự thỏa mãn, bởi vẫn còn đó những nỗi lo, nhất là thu nhập của người dân chưa cao.

Thời gian tới, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư có chiều sâu cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình tiêu biểu. Hòa Phong sẽ chuyển mạnh theo hướng TMDV, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Phấn đấu nâng mức thu nhập của người dân lên 35-40 triệu đồng/người/năm trong vài ba năm tới, tăng 10-12 triệu đồng so hiện nay...

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

.