Chính trị - Xã hội

Nhớ ngày đầu giải phóng

09:47, 29/03/2016 (GMT+7)

Đã 41 năm kể từ ngày giải phóng Đà Nẵng, Đại tá Hoàng Lê Nghĩa (70 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn nhớ rõ những ngày tháng lịch sử ấy. Bao ký ức hào hùng vẫn hiện hữu trong ông.

Đại tá Hoàng Lê Nghĩa
Đại tá Hoàng Lê Nghĩa

Hồi đó, ông Hoàng Lê Nghĩa là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Mặt trận 4 Quảng Đà. Sau nhiều trận đánh oanh liệt, Tiểu đoàn 3 mới về đứng chân tại Gò Nổi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Từ giữa tháng 3-1975, tin thắng lợi từ các chiến trường bay về khiến ai cũng náo nức lập công.

Ngày 26-3, đơn vị nhận nhiệm vụ tấn công cứ điểm Kim Sơn (Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên), nhưng đang chuẩn bị thì địch đã rút chạy. Sau đó, Tiểu đoàn được lệnh vượt sông Thu Bồn sang Điện Hồng để tiến xuống Điện Thọ (thị xã Điện Bàn). “Sáng 28-3, chúng tôi phát hiện địch ở Bồ Bồ bỏ chạy và liền đó được lệnh cấp tốc hành quân tiến về Đà Nẵng”, ông Nghĩa hào hứng.

Lúc này, Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà đã thành lập Trung đoàn 97, gồm 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 89, nhưng Tiểu đoàn 89 còn đóng ở Duy Xuyên, không kịp tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Trung đoàn 97 đảm nhiệm tấn công địch dọc ven biển, phía đông Đà Nẵng, chiếm giữ cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), không cho địch từ nội thành Đà Nẵng chạy ra biển.

Ông Nghĩa kể: Với phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, đơn vị liên tục hành quân cấp tốc, trưa 28-3, vừa đến Điện Hòa (thị xã Điện Bàn) đã nghe địch ở đồn Trảng Nhật bỏ chạy. Chiều 28-3, đơn vị vượt quốc lộ 1A; đêm 28-3, vượt sông Vĩnh Điện, vận động đến Điện Ngọc.

Du kích Điện Ngọc đón và dẫn đường bộ đội tiến vào Đà Nẵng. Bộ đội đi chiến đấu mà khí thế tưng bừng, phấn khởi như đi trẩy hội, rạng sáng 29-3 đã có mặt tại thôn Tân Trà, xã Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Tại đây, phát hiện hàng ngàn tên địch từ Hội An chạy về Đà Nẵng, Trung đoàn 97 lập tức chặn đánh. Địch chạy tan tác, hơn 300 tên bị bắt.

Sáng 29-3, Trung đoàn 97 chia 2 mũi: Tiểu đoàn 3 tấn công theo trục đường nhựa, Tiểu đoàn 4 đánh dọc ven biển, cùng thần tốc tiến vào Sân bay Nước Mặn. Khoảng 9 giờ, chiếc máy bay cuối cùng của địch vừa cất cánh đã bị bộ đội ta bắn trúng, phụt khói, bay loạng choạng ra phía biển. Hai tiểu đoàn tiếp tục tấn công theo hướng đảm nhiệm.

Một chốt địch ở Mỹ Thị (Khuê Mỹ) ngoan cố ngăn chặn hướng tiến của Tiểu đoàn 3. Ông Nghĩa liền cho đại đội bao vây tấn công. Hỏa lực của tiểu đoàn bắn cấp tập để yểm trợ. Chỉ trong chốc lát, chốt địch đã bị đè bẹp. Trung đoàn tiếp tục tiến công, truy kích địch.

Đến 12 giờ ngày 29-3, một lực lượng địch khá đông lợi dụng các dãy nhà tầng của Cô nhi viện Sao Biển (gần Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng hiện nay) để chống trả. Bộ đội vừa đánh, vừa gọi hàng nhưng chúng vẫn liều chết chống cự. Mãi đến khi 3 chiếc xe tăng của ta từ phía tây sông Hàn vượt cầu Trịnh Minh Thế đến phối hợp tấn công thì quân địch tại đây mới đầu hàng…

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng đó, Đại tá Hoàng Lê Nghĩa nhấn mạnh: Trong buổi sáng 29-3 lịch sử ấy, quân dân ta đồng loạt tấn công và nổi dậy làm chủ thành phố. Ba cánh quân từ phía nam, phía bắc và phía tây cùng thần tốc tiến vào nội thành Đà Nẵng.

Đến 11 giờ 30 ngày 29-3, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Một số tên ngoan cố chạy về khu vực Mỹ Khê (Sơn Trà), liều lĩnh chống cự và tìm đường chạy ra Biển Đông. Quân ta kiên quyết tấn công, tiêu diệt địch, đồng thời pháo tầm xa của ta kịp thời khống chế các cửa biển. Không còn đường nào thoát, địch lần lượt buông súng đầu hàng. Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng kết thúc thắng lợi lúc 15 giờ ngày 29-3-1975.

Cựu chiến binh Hoàng Lê Nghĩa cho biết thêm, sau ngày 29-3, đơn vị ông nhận nhiệm vụ tiếp quản khu kho An Đồn và tham gia công tác quân quản, góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên quê hương vừa sạch bóng quân thù.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.