Chính trị - Xã hội

Tái lập HĐND huyện, quận, phường

07:48, 31/03/2016 (GMT+7)

Theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm có HĐND và UBND. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng sẽ tái lập lại HĐND huyện, quận, phường sau 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Vấn đề này nhận được sự đồng tình của đông đảo cử tri trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021) vào ngày 22-5.

Bài 1: Khẳng định quyền làm chủ của nhân dân

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện quan điểm ở đâu có chính quyền, ở đó có HĐND. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa quan điểm này. Muốn xây dựng chính quyền vững mạnh, người dân phải lựa chọn những người đủ tài, đức, có tâm và tầm để bầu cho được HĐND các cấp vững mạnh.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) đơn vị Đà Nẵng HUỲNH NGHĨA (ảnh) khẳng định cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021), trong đó có HĐND huyện, quận, phường, là cơ hội để tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân.

* Thưa ông, Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (từ năm 2009). Nay thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại cuộc bầu cử lần này, sẽ tái lập HĐND huyện, quận, phường. Việc này có ý nghĩa như thế nào?

- Từ đầu đến cuối, tôi luôn bảo vệ quan điểm ở đâu có chính quyền, ở đó có HĐND. Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nhưng quá trình thực hiện không đúc kết được gì.

Cho nên khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và sau đó là xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, QH luôn khẳng định ở đâu có chính quyền, ở đó có HĐND. Đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chính vì vậy, khi xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đã phát biểu trước QH đây là cơ hội vàng để chúng ta tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Cuộc bầu cử (đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021) lần này sẽ khôi phục lại HĐND huyện, quận, phường là điều tất yếu để bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Đại biểu HĐND ở mỗi cấp là người đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân.

* Cần phải làm gì để xây dựng HĐND các cấp, trong đó có HĐND huyện, quận, phường vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, thưa ông?

- Cơ cấu tổ chức HĐND các cấp, trong đó có HĐND huyện, quận, phường, quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nhiều điểm mới so với Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003. Đối với HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của HĐND, tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

HĐND huyện, quận, phường có Ban Pháp chế và Ban Kinh tế-Xã hội (ở huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được lập Ban Dân tộc), đặc biệt ở HĐND cấp quận, huyện có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Cơ cấu tổ chức như thế là tăng cường vai trò quan trọng của HĐND trong hệ thống chính quyền các cấp, trong đó có HĐND huyện, quận, phường.

Luật đã phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, bảo đảm quản lý Nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Muốn xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, người dân phải có trách nhiệm lựa chọn, bầu cho được những đại biểu HĐND các cấp, trong đó có đại biểu HĐND huyện, quận, phường có đủ tài, đức, có tâm và tầm, xứng đáng là người đại diện quyền làm chủ của mình trong bộ máy chính quyền.

Đây cũng là trách nhiệm của cấp ủy Đảng các quận, huyện, phường của thành phố chúng ta trong việc lãnh đạo tốt công tác bầu cử để bầu được HĐND huyện, quận, phường bảo đảm về chất lượng.

* Ông có nhận xét gì trước ý kiến so sánh chế độ bổ nhiệm lãnh đạo (trong thời gian thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) có thể thay ngay Chủ tịch UBND huyện, quận, phường không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà không phải đợi đến kỳ họp HĐND mới thay được?

- Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Khi cần thiết, cấp ủy chỉ đạo, HĐND sẽ triệu tập cuộc họp bất thường tiến hành bầu người khác thay ngay người ở vị trí Chủ tịch UBND cùng cấp không đáp ứng được yêu cầu hoặc có sai phạm.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ nhân dân sẽ bầu ra cơ quan chấp hành là UBND cùng cấp và người đứng đầu UBND, đồng thời giám sát hoạt động của UBND cùng cấp. Cơ chế này có tính khách quan hơn và chống chạy chức, chạy quyền trong cơ chế bổ nhiệm.

SƠN TRUNG thực hiện

.