Chính trị - Xã hội

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (10-3 ÂM LỊCH)

Triệu trái tim hướng về đất Tổ

07:41, 15/04/2016 (GMT+7)

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mồng mười tháng ba” – câu ca dao xưa in sâu trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Để rồi đến ngày mồng 10 tháng 3, triệu triệu trái tim cùng hướng về vùng đất Tổ linh thiêng để tưởng nhớ công lao của các vua Hùng dựng nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước…

Bơi chải – nét đặc trưng trong phần hội tại lễ hội đền Hùng 2016.  Ảnh: Phương Thanh (Báo Phú Thọ)
Bơi chải – nét đặc trưng trong phần hội tại lễ hội đền Hùng 2016. Ảnh: Phương Thanh (Báo Phú Thọ)

Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng, linh thiêng vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm tại đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài lễ hội diễn ra tại vùng đất Tổ, lễ dâng hương vua Hùng được thực hiện tại 1.417 đền chùa miếu mạo thờ cúng trên khắp cả nước.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, lễ Giỗ tổ cấp thành phố được tổ chức ở khu tưởng niệm các vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9); các khu du lịch, công viên văn hóa, các đơn vị doanh nghiệp, trường học mang tên Hùng Vương, Lạc Hồng, Âu Cơ, Hồng Bàng… và có đền thờ Vua Hùng tổ chức lễ Giỗ tổ tại đơn vị.

Riêng thành phố Đà Nẵng, đã thành truyền thống, hằng năm, vào ngày Quốc giỗ, nhiều đình làng trên địa bàn thành phố tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn như: đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), đình làng Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), đình làng Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), đình làng An Khê (phường An Khê, quận Thanh Khê), đình làng Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê).

Ông Nguyễn Duy Minh, đời thứ 4 của tộc Nguyễn - một trong 6 tộc đầu tiên đến lập nghiệp tại làng Hải Châu cho biết: “Cây có cội, nước có nguồn. Đây là đạo lý cần phải nhớ. Lễ hội đình làng Hải Châu trùng ngày Giỗ tổ Hùng Vương, âu đó cũng là sắp xếp của các bậc cha ông xưa với mong muốn con cháu tưởng nhớ đến những người có công dựng nước, tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp. Tại đình làng có nhà thờ của 43 Chư phái tộc. Con cháu trong các chư phái tộc này có nhiều người đã đi vùng khác lập nghiệp. Nhưng đến ngày này, một số trở về thắp hương cho tổ tiên với tâm niệm “ly hương chứ không ly tổ”.

Đông đảo người dân trên cả nước hành hương về đất Tổ năm 2015.  Ảnh: Phương Thanh (Báo Phú Thọ)
Đông đảo người dân trên cả nước hành hương về đất Tổ năm 2015. Ảnh: Phương Thanh (Báo Phú Thọ)

Ước tính, mỗi năm hơn 5 triệu lượt người hành hương về đất Tổ để thành kính dâng hương lên các vua Hùng. Trong khi đó, hàng triệu triệu người Việt Nam khác không có điều kiện về đền Hùng thì thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và nhiều họ tộc, gia đình tổ chức giỗ tổ Hùng Vương tại nhà.

Như trường hợp gia tộc họ Đoàn (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã hơn 40 năm qua tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng 3. Ngôi từ đường của gia tộc có hẳn gian thờ Hùng Vương ngay chánh điện. Trên bàn thờ chánh điện, chiếc cổ ngai thánh vị được đặt uy nghi, trang trọng tượng trưng cho linh vị vua Hùng Vương.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn học Dân gian thành phố, trong tâm thức của mỗi con dân nước Việt Nam từ bao đời nay, vua Hùng là người đã có công dựng nên nước Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Do đó, luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ con dân nước Việt hàng ngàn năm qua.

“Giá trị của tín ngưỡng này ở chỗ nó vượt ra ngoài biên giới, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và sâu sắc; trở thành điểm tựa tinh thần gắn kết, từ đó tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau cố kết cộng đồng trong hành trình dựng nước và giữ nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6-12-2012 đã nói lên giá trị đặc biệt này”, ông Võ Văn Hòe nói.

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống

Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm 2016 diễn ra trong 5 ngày, từ 12 đến 16-4 (tức từ ngày 6 đến 10-3 âm lịch) tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với sự tham gia của 3 tỉnh Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau.

Phần lễ cơ bản vẫn theo truyền thống gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng (diễn ra sáng 10 tháng 3 âm lịch), lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ rước kiệu về đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích và lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Trong khi đó, phần hội năm nay chú trọng đến các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian gắn liền với việc gìn giữ thuần phong mĩ tục của người Việt như: Cướp kén (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông), bắt trạch trong chum (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh), tứ dân chi nghiệp hay còn gọi là trò bách nghệ khôi hài (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), đi cầu Kiều (huyện Yên Lập), múa sạp (huyện Thanh Sơn); điệu trống đu của người Mường, múa Sênh tiền (xã Thượng Long, huyện Yên Lập); múa Mỡi (huyện Tân Sơn); múa bông, cồng chiêng (huyện Thanh Sơn), hát quan họ (huyện Lâm Thao)…

NGỌC HÀ

.