Chính trị - Xã hội

ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

07:53, 16/05/2016 (GMT+7)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực, chủ động, khẩn trương tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 22-3-2016 của Bộ Chính trị.

Vậy “điểm nhấn” về phát triển kinh tế theo tinh thần Đại hội XII là gì? Làm thế nào để tổ chức, triển khai thực hiện luôn trên quan điểm “ý Đảng hợp lòng dân”, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn đất nước một cách thiết thực và hiệu quả nhất?

Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, được thể hiện xuyên suốt nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng. Đến Đại hội XII, “định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” đã có những bước phát triển mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập. Có thể khẳng định, đó là một trong những “điểm nhấn” về phát triển kinh tế để đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá chiến lược” theo tinh thần Đại hội XII.

Cụ thể, từ Đại hội lần này, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã được nhận thức toàn diện, biện chứng hơn. Trong đó, “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” là nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020.

Nếu xem xét trật tự logic, thì trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, “cơ cấu kinh tế” đứng trước “đổi mới mô hình tăng trưởng”. Tăng trưởng kinh tế là một nội dung cốt lõi của phát triển kinh tế, chỉ số quan trọng phản ánh trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó cơ cấu kinh tế là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất.

Do đó, muốn tăng trưởng kinh tế, trước hết phải trên cơ sở “cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế”, nhất là cơ cấu lại “các ngành, các lĩnh vực” kinh tế quan trọng. Vì vậy, nội dung “cơ cấu lại nền kinh tế” đứng trước nội dung “đổi mới mô hình tăng trưởng” không những khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cơ cấu kinh tế đối với phát triển kinh tế, mà còn phản ánh sự phát triển nhận thức cũng như lý luận của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế.

Mối quan hệ giữa cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng là mối quan hệ biện chứng, tạo tiền đề, điều kiện cho nhau. Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, muốn cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng và đạt hiệu quả, phải gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đảng ta nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng này khi xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trong đó có nhiệm vụ: “...Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược..., cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...”.

Bên cạnh đó, đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu bắt buộc, tất yếu của sự phát triển bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, những mâu thuẫn, bất cập, thể hiện tập trung nhất ở cơ cấu kinh tế không hợp lý, mô hình tăng trưởng không phù hợp, đã trở thành lực cản khiến cho sự phát triển của nền kinh tế trở nên kém hiệu quả, không bền vững.

Đại hội XII tổng kết và đánh giá: “Cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Tuy nhiên, do nhận thức, nhất là nhận thức về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chưa đầy đủ nên “mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi kịp theo yêu cầu phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp”. Theo đó, Đảng ta xác định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”.

Đó là mô hình tăng trưởng không những bảo đảm sự hài hòa, hợp lý, hiệu quả hơn giữa phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu, mà còn chỉ rõ phát triển chiều sâu sẽ được chú trọng hơn trong thời gian tới; là định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Tóm lại, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, mô hình tăng trưởng năng động, bền vững được tạo lập vững chắc trên nền tảng về thể chế, khoa học và công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 sẽ là thực tiễn sinh động khẳng định “điểm nhấn” theo tinh thần Đại hội XII của Đảng về phát triển đất nước.

TS Nguyễn Dũng Anh

.