Chính trị - Xã hội
Sớm hoàn thiện thể chế thu hút vốn cho hạ tầng GTVT
Kết luận buổi làm việc với Bộ GTVT sáng 19-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó cần đặc biệt chú trọng các cơ chế chính sách cho hình thức hợp tác công-tư (PPP).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư. |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả Bộ GTVT đã đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là công tác đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng GTVT. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Lĩnh vực vận tải từng bước được tái cơ cấu hợp lý, các phương thức vận tải được kết nối hài hoà, phát huy thế mạnh của từng phương thức, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện đã có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM dù vẫn còn xảy ra nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây.
Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc ngành; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Những thành tựu ngành GTVT đạt được trong những năm qua là nền tảng quan trọng, tạo động lực cho tập thể cán bộ và người lao động tiếp tục phát huy, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Ưu tiên hợp tác công-tư trong phát triển hạ tầng GTVT
Trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, trong đó ưu tiên cao nhất là xây dựng những chính sách hiệu quả để thu hút ngồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng GTVT.
“Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP) bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước.
Với đề xuất về hoàn thiện chính sách đầu tư PPP của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sớm hoàn thành các thông tư hướng dẫn; nghiên cứu ban hành mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng dự án PPP; hướng dẫn giải ngân vốn góp Nhà nước; nghiên cứu quy định về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cơ chế bảo hành vốn vay nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước.
“Hình thức hợp tác công-tư nên được xác định là ưu tiên trong lĩnh vực phát triển hạ tầng GTVT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát mức phí BOT đường bộ ở mức hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và khả năng chi trả của người sử dụng. Ngoài ra, Bộ GTVT cần tăng cường công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, phối hợp kịp thời với các bộ, ngành để được hướng dẫn nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước và là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại một số dự án, Bộ GTVT cần thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện dự án BOT, có biện pháp xử lý kịp thời và công khai thông tin, tránh gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phát triển hài hoà các phương thức vận tải
Bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành GTVT triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường rà soát, đánh giá, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; chuyển phương thức quản lý hành chính sang phục vụ, hướng tới doanh nghiệp, người dân.
Toàn ngành cũng cần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu vận tải ngành GTVT, hướng tới phát triển hài hoà, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho đường bộ, phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, tiếp cận công tác xã hội hóa bến xe. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện.
Công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông cũng cần được chú trọng với mục tiêu giảm 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hằng năm. Rà soát, xử lý các điểm đen về TNGT và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành GTVT nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả giám sát, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, là huyết mạch của ngành GTVT trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không, công nghiệp đóng tàu, từ đó hình thành một cơ cấu vận tải hợp lý, khai thác tối đa thế mạnh về biển của đất nước.
Theo Chinhphu.vn