Chính trị - Xã hội

Người dân chủ động cứu hỏa

08:32, 29/07/2016 (GMT+7)

Xác định nguy cơ cháy nổ sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nên quận Thanh Khê đã vận động gần 100% hộ dân trang bị bình chữa cháy trong nhà. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, 70% vụ cháy trong khu dân cư, đặc biệt là tại các kiệt, hẻm nhỏ được người dân chủ động chữa cháy trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến. Nếu không có sự chủ động của người dân thì hậu quả các vụ cháy sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Người dân tổ dân phố 46, phường Tân Chính được cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 chỉ dẫn những thao tác chữa cháy. Ảnh: DIỆU MINH
Người dân tổ dân phố 46, phường Tân Chính được cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 chỉ dẫn những thao tác chữa cháy. Ảnh: DIỆU MINH

Tự tin chữa cháy

Gần 1 tháng sau khi căn nhà chị Nguyễn Thị Nga, trú tổ dân phố 47 phường Tân Chính, quận Thanh Khê không may xảy ra cháy do thắp hương bén lửa, anh Trần Phong, tổ trưởng tổ dân phố 46 nhớ lại: “Lúc đó khoảng 8 giờ sáng, tôi nghe tiếng chó sủa nhưng nhà chị Nga lại khóa cửa đi vắng. Chúng tôi tuy sống ở tổ dân phố bên cạnh nhưng nghe người dân tri hô có khói xuất hiện liền kêu gọi anh em trong tổ tham gia cứu hỏa. Đám cháy xuất phát từ bàn thờ vừa thắp hương trước đó, lửa lan nhanh xuống căn gác gỗ”. Anh Bùi Đình Toàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận đồng thời là Trưởng ban Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khu vực Chính Trạch 2 kể, trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến dỡ tôn, phun nước dập tắt lửa thì người dân trong khu vực đã dùng 15 bình xịt chữa cháy hạn chế đám cháy lan rộng.

Lý giải vì sao khi đám cháy bùng phát và sức nóng của lửa ngày càng cao nhưng vẫn tích cực xông vào chữa cháy, anh Cao Chánh Ngọ, Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu vực Chính Trạch 2 tự tin cho biết, do hằng năm lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng được tập huấn chữa cháy trong khu dân cư nên cơ bản rất thành thục về động tác. “Điều quan trọng là phải biết cách thức tiếp cận đám cháy khi mới bùng phát. Bởi nếu chần chừ hoặc sợ hãi thì chắc chắn đám cháy sẽ lan rộng, nguy cơ thiệt hại rất lớn”, anh Cao Chánh Ngọ nói. Cũng nhờ có bình chữa cháy trang bị sẵn trong nhà mà người dân khu vực Chính Trạch 2 đã kịp thời can thiệp vụ chập điện tại kiệt 372 đường Lê Duẩn, không để gây ra hậu quả cháy nổ nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chính Nguyễn Trọng Trinh cho biết, toàn phường có 2.457/2.464 hộ dân đã trang bị bình chữa cháy (99,7%). Riêng đối với chợ Tân Chính, địa phương vận động 58 tiểu thương kinh doanh, buôn bán trong chợ trang bị mỗi quầy hàng một bình chữa cháy đề phòng hỏa hoạn. “Qua thời gian triển khai thực hiện mô hình “Cụm dân cư an toàn về PCCC” tại tổ dân phố, công tác PCCC trong khu dân cư ngày càng phát huy hiệu quả. Các vụ cháy trong kiệt, hẻm được người dân nhanh chóng tiếp cận chữa cháy kịp thời, hạn chế cháy lan gây thiệt hại về người và kinh tế”, ông Nguyễn Trọng Trinh phấn khởi chia sẻ.

Xây dựng cụm dân cư an toàn PCCC

Đại tá Võ Văn Sỹ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 phụ trách địa bàn quận Thanh Khê cho biết, do đặc thù khách quan là địa phương có mật độ dân cư đông đúc, hệ thống kiệt, hẻm chằng chịt nên lãnh đạo quận Thanh Khê và lực lượng PCCC rất quan tâm đến công tác PCCC ở khu dân cư. Đến nay, Thanh Khê là quận đầu tiên của thành phố có gần 100% hộ dân có bình chữa cháy trong nhà.

Nhờ đó, phong trào toàn dân PCCC được các địa phương triển khai rộng khắp thông qua xây dựng 223 cụm dân cư an toàn về PCCC để làm nòng cốt chữa cháy ở cơ sở. Theo Đại tá Võ Văn Sỹ, hằng năm, các cụm dân cư an toàn PCCC được tập huấn kỹ năng xử lý đám cháy ban đầu trước khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến tiếp cận đám cháy và đưa ra phương án chữa cháy.

Cũng theo Đại tá Sỹ, quận Thanh Khê và các phường chịu trách nhiệm nạp lại bình chữa cháy cho người dân tham gia ứng cứu chữa cháy ở cơ sở, mang lại sự yên tâm cho người dân. Trong năm 2014 và 2015, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 là đơn vị dẫn đầu phong trào PCCC của toàn thành phố. Năm 2015, đơn vị vinh dự được Bộ Công an tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc.

Đây là nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị khi tham gia chữa cháy thành công nhiều vụ cháy lớn, đồng thời tham gia ứng cứu chữa cháy, chi viện nhiều vụ cháy lớn ngoài địa bàn. Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng từ phong trào toàn dân tham gia PCCC mà quận Thanh Khê là địa phương đi đầu toàn thành phố trong thời gian qua.  

DIỆU MINH

.