Chính trị - Xã hội

Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Lắng nghe, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân

08:19, 08/10/2016 (GMT+7)

Lắng nghe dân, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) hợp tình, hợp lý. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại giải quyết khiếu kiện đông người. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy tại hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC ngày 7-10.

Điểm cầu Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG

Nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị đánh giá: Được sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC. Từ năm 2012-2015, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp hơn 1,5 triệu lượt người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh (giảm 4,3% so với giai đoạn 2008-2011) với 778.703 vụ việc (giảm 6,3%), có 18.316 đoàn đông người (tăng 32%).

Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 305.847 đơn KNTC (giảm 54,6%) với 231.186 vụ việc (giảm 53,3%), có 200.129 vụ việc thuộc thẩm quyền (giảm 39,3%) và đã giải quyết 170.450 vụ việc. Qua giải quyết KNTC đã thu hồi về cho Nhà nước gần 373,9 tỷ đồng, 274ha đất; khôi phục quyền lợi cho 11.618 công dân với số tiền 512 tỷ đồng và 418,6ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.072 người; chuyển cơ quan điều tra 197 vụ với 183 người. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết 522/528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Bài học kinh nghiệm được đúc kết trong giai đoạn này là: Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết, chỉ thị huy động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Nơi nào cấp ủy Đảng, người đứng đầu đơn vị quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm thì nơi đó công tác tiếp dân, giải quyết KNTC đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào thiếu công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và buông lỏng quản lý để xảy ra tiêu cực sẽ gây bức xúc dư luận, phát sinh KNTC.

Cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng phù hợp, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, lắng nghe nhân dân. Nếu thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, nhiều vụ KNTC được giải quyết ngay từ cơ sở. Đối với vụ việc phức tạp, kéo dài, cần có quyết tâm cao của hệ thống chính trị, trong đó các địa phương quan tâm, chủ động rà soát, giải quyết vụ việc và sự phối hợp của các cơ quan Trung ương.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác tiếp dân, giải quyết KNTC trong 4 năm qua với trên 85% vụ việc KNTC được giải quyết là cố gắng rất lớn, đặc biệt là giải quyết được 522/528 vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài. Thủ tướng chỉ ra rằng, tỷ lệ số vụ việc KNTC liên quan đất đai cao nhất và nhiều nhất là liên quan đến giá đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư. Các địa phương phải nhận diện ra vấn đề này.

Thủ tướng chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đó là một số lãnh đạo địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Có nơi còn vin vào việc hết thời hiệu để né tránh việc giải quyết KNTC hoặc chậm giải quyết, để tồn đọng kéo dài. Vẫn còn những cán bộ lãnh đạo ngại đối thoại trực tiếp với dân, chưa công khai đầy đủ lịch tiếp dân, phối hợp với Trung ương chưa chặt chẽ, có vụ việc đùn đẩy lên Thủ tướng Chính phủ. Một số quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, chính sách xã hội còn bất cập, chưa phù hợp thực tế.

Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KNTC trong thời gian đến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thủ trưởng các Bộ, ngành, các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Đất đai, Luật KNTC, Luật Tiếp công dân, các nghị định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC và các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại giải quyết khiếu kiện đông người ở địa phương mình. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam và đoàn thể thành viên trong công tác này.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên-Môi trường và Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu sửa đổi những bất cập của Luật Đất đai và chính sách đền bù giải tỏa khi thu hồi đất của người dân. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiếp dân, giải quyết KNTC; coi trọng nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về KNTC. Tổ chức thi hành nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, không được để tồn đọng kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này mở đợt tổng rà soát các vụ việc KNTC từ Trung ương đến địa phương để tập trung giải quyết, hướng đến chấm dứt khiếu kiện đông người. Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, chấn chỉnh những tồn đọng, yếu kém trong quản lý, chú trọng công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực: đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích công dân.

SƠN TRUNG

.