Chính trị - Xã hội
Thôn lên phố
Thôn Cẩm Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) vốn là địa phương thuần nông. Sau khi dự án khu tái định cư Nam cầu Cẩm Lệ hoàn thành quy hoạch đã đưa khu dân cư này từ thôn lên phố. Song, vẫn còn đó những trăn trở, tồn tại từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng này.
Về Cẩm Nam hôm nay, không ai nghĩ địa giới hành chính nơi đây vẫn là thôn bởi hệ thống đường giao thông hiện đại, quy hoạch đất ở theo ô bàn cờ vuông vức. Trong thôn còn có khu chung cư (KCC) cao tầng. Đặc biệt, ở thôn này, 99,9% tuyến đường có tên, số nhà sắp được cấp đầy đủ và không có kiệt, hẻm.
Ông Nguyễn Lối, Trưởng thôn Cẩm Nam cho biết, đời sống người dân ở đây đang vươn lên từng ngày. Thời gian đầu mới giải tỏa, tái định cư, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, người dân sau khi bàn giao đất cho dự án còn bỡ ngỡ tìm cuộc mưu sinh mới. Bây giờ đã đi vào ổn định, các loại hình dịch vụ phát triển, mang lại thu nhập cho người dân. Các ngành nghề cũng được định hình và phát triển đa dạng, phong phú. Toàn thôn hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Dẫu vậy, ông Lối vẫn trăn trở về những tồn tại của thôn: “Trước đây, thôn có khoảng trên 300 hộ, 4 hộ đặc biệt nghèo, 3 hộ nghèo. Bây giờ, khoảng 720 hộ, với gần 100 hộ nghèo. Nhà sinh hoạt cộng đồng sức chứa 80 người, luôn quá tải mỗi khi họp thôn. Thanh niên trong thôn không có điểm vui chơi thể thao, sinh hoạt…”.
Câu chuyện “KCC trong thôn” mang nhiều phiền toái cho người dân Cẩm Nam. Đây là KCC dành cho người thu nhập thấp, có hoàn cảnh neo đơn, hộ nghèo, khó khăn về nhà ở do thành phố bố trí từ năm 2013 đến nay. Hiện trong KCC có gần 400 hộ sinh sống, trong đó có gần 100 hộ nghèo. Cái nghèo sinh ra nhiều hệ lụy, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trong khu vực. “Số hộ dân trong KCC này nhiều hơn số dân ở bên ngoài trong thôn. Trước thực trạng về khó khăn trong quản lý cũng như một số bất cập khác, chúng tôi đã kiến nghị tách thôn Cẩm Nam hiện nay thành 2 thôn”, ông Lối đề xuất.
Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, sau khi tiếp nhận các hộ từ nơi khác về địa phương sinh sống (trong các KCC), xã đã hướng dẫn họ đăng ký tạm trú để thuận lợi trong quản lý. Đa số hộ nghèo về sinh sống, nên hằng năm các dịp lễ, Tết xã đều quan tâm, cấp nhiều phần quà cho số hộ nghèo ở trong KCC. Cán bộ xã thường xuyên kiểm tra, tìm hiểu đời sống người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những khó khăn để chia sẻ, giúp đỡ họ vượt qua thời gian đầu, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Hiện nay, UBND xã Hòa Châu đã kiến nghị lên cấp trên cho phép có cơ chế riêng trong quản lý đối với KCC này.
Ông Trà Đình Thứ, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang cho biết, việc KCC ở trong thôn gây khó khăn, khó phân cấp cho cán bộ cơ sở quản lý. Về nguyên tắc, không thể lập tổ dân phố thuộc xã. Thành lập thôn mới thì xã chưa chịu. “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện, kiến nghị lên thành phố cho cơ chế đặc thù đối với KCC này, các nhà trưởng kiêm tổ trưởng (như tổ dân phố) và thuộc quản lý trực tiếp của UBND xã. Có thế mới giải quyết được những bất cập nói trên”, ông Thứ nói.
Ông Lối đưa tôi đi quanh thôn, cuối cùng chỉ về bãi đất đầy cỏ dại mọc ven sông và nói rằng vẫn còn 15 mẫu đất của 41 hộ dân trong thôn bị thu hồi từ năm 2010 đến nay chưa nhận được tiền đền bù. Tiền hỗ trợ thì năm có năm không (năm 2016 chưa có). Diện mạo Cẩm Nam hôm nay như một khu phố. Nhưng trong khu phố ấy vẫn còn những trăn trở, tồn tại mà người dân mong chờ cơ quan chức năng sớm quan tâm và giải quyết.
TRỌNG HUY