Chính trị - Xã hội

Thủy điện xả lũ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa

08:45, 04/11/2016 (GMT+7)

Trong 2 ngày 2 và 3-11, việc có 3 trong 4 hồ thủy điện lớn nhất trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và 5 hồ thủy điện nhỏ cùng xả lũ qua tràn song song vận hành xả nước phát điện làm nhiều người dân ở hạ du lo lắng, bức xúc.

Hồ thủy điện Đăk Mi 4A xả lũ qua tràn vào lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4C để chủ động đón lũ chính nếu xuất hiện.
Hồ thủy điện Đăk Mi 4A xả lũ qua tràn vào lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4C để chủ động đón lũ chính nếu xuất hiện.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc chỉ đạo nhiều hồ thủy điện vận hành xả lũ qua tràn là tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự chủ động của tỉnh để đón lũ chính nếu xuất hiện, và đến nay, việc đồng loạt xả lũ nói chung chưa gây thiệt hại cho hạ du.

Sáng 2-11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đồng ý cho hồ thủy điện Đăk Mi 4A xả lũ qua tràn từ 14 giờ cùng ngày vì mực nước trong hồ cao hơn mực nước đón lũ của hồ 3m và lưu lượng lũ về hồ khoảng 900m3/s, trong khi lưu lượng phát điện là 106m3/s. Đến 15 giờ 30 ngày 3-11, hồ thủy điện này vẫn đang xả lũ với tổng lưu lượng hơn 400m3/s. Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Đăk Mi 4 cho biết: “Lúc mới vận hành xả lũ qua tràn, chúng tôi xả với mức 1.400m3/s và giảm dần để đưa mực nước trong hồ về mực nước đón lũ. Lũ xả qua tràn được giữ lại trong hồ thủy điện Đăk Mi 4C ở phía dưới, không thực hiện xả tràn hồ thủy điện Đăk Mi 4C mà chỉ vận hành xả nước phát điện nên không ảnh hưởng gì đến hạ du”.

Trong khi đó, giải thích việc hồ thủy điện Sông Bung 4 vẫn tiến hành xả lũ qua tràn với lưu lượng còn 94m3/s (lúc 15 giờ 30 ngày 3-11) mà không tích lại, cắt lũ cho hạ du trong khi diễn biến thời tiết cho thấy không còn có khả năng xuất hiện lũ chính ở khu vực lòng hồ, ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Thủy điện Sông Bung cho hay: “Mặc dù lưu lượng lũ về hồ nhỏ, nhưng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam luôn thúc giục đưa hồ về mực nước đón lũ, thực hiện đúng cam kết với tỉnh là trước ngày 15-11, phải luôn duy trì hồ dưới mực nước đón lũ”. Hồ thủy điện Sông Bung 4 vẫn còn xả lũ qua tràn song song với phát điện làm các hồ thủy điện bậc thang ở phía dưới như: Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 vẫn đang tiến hành xả lũ.

Cũng trong ngày 2-11, mặc dù hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ở dưới mực nước đón lũ hơn 5m nhưng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam vẫn ra lệnh vận hành xả lũ qua tràn từ 20 giờ cùng ngày để duy trì hồ dưới mực nước đón lũ do lưu lượng lũ về hồ có lúc lên đến 1.940m3/s. Hồ thủy điện Sông Tranh 2 vừa duy trì xả tràn song song phát điện với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng lũ về hồ để vừa bảo đảm an toàn hồ chứa, chủ động đón lũ và dần dần tích nước đến mực nước đón lũ. Đến 16 giờ ngày 3-11, hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn dưới mực nước đón lũ 1,8m, đang xả lũ với lưu lượng 640m3/s, trong khi lưu lượng lũ về hồ gần 1.100m3/s. Việc hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xả lũ đều đặn về sông Thu Bồn gây bức xúc cho hạ du bởi phố cổ Hội An vẫn đang ngập lụt 2 ngày qua.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Đức cho hay: “Hội An ngập lũ không hẳn do thủy điện xả tràn mà phần lớn do triều cường và mưa lớn. Lưu lượng xả tràn của các hồ thủy điện nhìn thì có vẻ lớn nhưng thực ra chỉ “liu riu” và nhỏ hơn nhiều so với lưu lượng lũ về các hồ. Chúng tôi ra lệnh xả lũ khi thấy ở hạ du mưa chưa nhiều, mực nước các sông còn thấp trong khi ở thượng nguồn đang mưa lớn. Việc xả tràn các hồ nhằm đón lũ một cách chủ động để tích lũ chính nếu xuất hiện ở thượng nguồn, không gây lũ chồng lũ ở hạ du. Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, dù có nơi bị ngập nước cục bộ nhưng nói chung không gây thiệt hại, ảnh hưởng chung, mực nước trên các sông chỉ dao động cao nhất ở mức báo động 2, thiệt hại cây trồng không đáng kể”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.