Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa từ nay đến ngày 18-12 phổ biến từ 200-400mm, có nguy cơ xảy ra ngập úng, ngập sâu và lũ quét. Vì vậy, các ngành chức năng thành phố và các địa phương cần phải chủ động ứng phó.
Tuyến đường ĐH409 bị lũ tràn qua, gây chia cắt thôn Lệ Sơn 1 và Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhiều thôn ở Hòa Vang bị ngập
Sáng 15-12, trên địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), nước lênh láng, vàng đục. Nước chia cắt đường vào tổ 3, thôn Quan Nam 3. Bà Nguyễn Thị Bôi (SN 1938, trú thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên) cho biết, hai ngày qua mưa lớn khiến nước ngập đến sân nhà. “Từ tối hôm qua đến nay, mưa lớn, nước chảy xiết nên tôi không dám ra ngoài”, bà Bôi cho biết.
Đường vào thôn Quan Nam 6 cũng bị ngập. Nước ngấp nghé một số nhà dân sống ở phía ngoài ruộng. Nhiều người dân cho biết, nếu tình trạng mưa lớn tiếp tục thì một số hộ sẽ bị nước vào nhà. Tại thôn Vân Dương 2, nước ngấp nghé trong vườn nhà dân.
Bà Thơm (thôn Vân Dương 2) cho biết, khả năng nước tràn vào nhà nên cả gia đình đang dọn dẹp đồ đạc để “chạy lũ”. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Hòa Liên cho biết đang nắm tình hình và chuẩn bị các phương án để di dời dân ở những nơi ngập lụt khi cần thiết.
Trưa 15-12, nước trên sông Túy Loan, đoạn tại thôn Túy Loan Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), đục ngầu chảy xiết, mấp mé mặt đường ĐT604. Gần đó, nước ngập mênh mông tại vùng rau an toàn Hồ Bún, xã Hòa Phong với 6,5ha; vùng rau Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn hơn 2ha. Những ngôi nhà sơ chế rau tại hai vùng rau an toàn này bị ngập hơn nửa mét và đang có nguy cơ ngập sâu hơn, bởi nước trên sông đang tiếp tục lên.
Nhiều hộ dân đang tập trung đầu tư sản xuất vụ rau kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán 2017, nay lũ về gây hư hại. Các loại rau ăn lá như cải xanh, xà lách, mồng tơi; rau ăn quả như khổ qua, bí xanh, dưa leo, ngập vài ba ngày là thối gốc, dù nước rút cũng đành phá bỏ.
Ông Hồ Công Lượng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Hồ Bún cho biết, chuẩn bị cho vụ rau Tết, 40 hộ của HTX đã xuống giống nhiều loại rau từ hơn tháng nay, từ rau ăn lá đến rau ăn quả phát triển tốt, hứa hẹn bội thu nhưng bất ngờ lũ muộn xảy ra nên nhiều khả năng vụ rau này mất trắng.
Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, trong đợt mưa lũ này, nhiều vùng rau tập trung trên địa bàn huyện bị ngập. Đến chiều 15-12, toàn huyện có 24,6ha rau bị ngập nặng, hư hỏng gần như hoàn toàn. Ngoài ra, 86,2ha cây màu các loại cũng bị ảnh hưởng do mưa lũ. Đối với các vùng rau không bị ngập, mưa dài ngày làm phát sinh nấm bệnh, rau chậm phát triển, năng suất thấp.
Không những vậy, mưa lũ làm 132ha lúa đông xuân 2016-2017 vừa gieo sạ bị ngập úng nghiêm trọng, hư hỏng hoàn toàn. Số thóc đã ngâm ủ giống để gieo sạ cho 529ha đành phải bỏ khi những thửa ruộng đã làm đất xong chờ gieo sạ nước ngập gần 1 mét.
Bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho rằng, giải pháp duy nhất là khẩn trương khôi phục sản xuất khi lũ rút. Hiện phòng đã lập kế hoạch đề xuất UBND huyện đầu tư kinh phí để triển khai sản xuất sau lũ.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, mưa lớn trong những ngày qua khiến 13 thôn, 275 hộ của 4 xã Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn bị ngập khoảng 0,5m. Lãnh đạo UBND huyện đang chỉ đạo UBND các xã, lực lượng vũ trang sẵn sàng các phương án để phòng chống lũ, lụt, rà soát các khu vực nguy hiểm tiến hành di dời dân khi cần thiết.
Nhiều khu vực dân cư của xã Hòa Tiến ngập trong lũ từ trưa 15-12. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Thượng nguồn xuất hiện lũ lớn
Trưa 15-12, trên khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn xuất hiện lũ lớn. Lưu lượng lũ về Sông Tranh 2 có lúc lên đến 2.790m3/s, hồ này xả lũ về sông Thu Bồn với lưu lượng cao nhất là 2.566m3/s. Lưu lượng lũ về hồ Sông Bung 4 có lúc lên đến 1.590m3/s, hồ này xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng cao nhất là 1.610m3/s.
Đến 15 giờ cùng ngày, Thủy điện A Vương vẫn đang vận hành giảm lũ cho hạ du, chỉ riêng các hồ: Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4 đang xả lũ với lưu lượng lớn theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ phê duyệt.
Lũ từ sông Vu Gia đổ về tràn bờ sông Yên, gây ngập nặng khu vực hạ lưu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thuộc xã Hòa Tiến. Theo quan sát, khu vực ngập nặng nhất là thôn La Bông (xã Hòa Tiến) do lũ thoát qua đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị chặn lại phần lớn ở thượng lưu tuyến đường ADB 5. Nhiều người dân phải di chuyển bằng xuồng từ đường ADB 5 vào nhà vì đường làng bị ngập lũ sâu hơn 1m.
“Đường ngập sâu, nhiều nhà đã ngập đến đầu gối”, ông Nguyễn Đức Tài, người dân thôn La Bông nói. Lũ cũng làm ngập sâu các thôn Lệ Sơn 1, Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến), nhất là khu vực xung quanh bàu Lệ Sơn do lũ thoát qua tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị tuyến đường ĐH 409 chặn lại. Đến 12 giờ trưa, gần như toàn tuyến đường ĐH409 qua 2 thôn này đều bị lũ tràn qua.
Ông Lê Nhiều, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết: “Tôi cũng đã đi kiểm tra toàn tuyến công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì thấy khu vực thượng lưu không ngập lũ, lũ thoát tốt về hạ lưu. Tuy nhiên, tại đoạn qua xã Hòa Tiến, nước lũ dâng cao ở khu vực hạ lưu đường cao tốc vì tuyến đường ADB5 quá ít cống và khẩu độ cống nhỏ”.
Còn ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Hòa Tiến cho biết: “Đến thời điểm này thì hầu hết 12 thôn của xã đều đã bị ngập lũ, nhưng chưa gây ngập nhiều nhà, chỉ ngập đường làng, vườn tược và tràn ra cánh đồng. Tôi cũng đang rất ngạc nhiên khi thấy khu vực hạ lưu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị ngập sâu, trong khi khu vực thượng lưu thì gần như không có lũ”.
Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân Chiều 15-12, tại buổi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo huyện Hòa Vang về phòng chống lũ lụt trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các xã khẩn trương và tập trung cho công tác chống lũ lụt với yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Trước hết phải khẩn trương di dời người dân ở vùng nguy hiểm, trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, gần lưu vực sông. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó chú ý về phương tiện vận chuyển dân an toàn, cần chuẩn bị sẵn sàng nước sạch và lương thực để cung cấp cho người dân những nơi bị cô lập do nước lũ. Thông báo cho học sinh toàn huyện được nghỉ học cho đến khi hết lũ; đồng thời khơi thông dòng chảy thoát nước tại một số cống xả thoát lũ như trên địa bàn xã Hòa Liên. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi bố trí trực 100% quân số 24/24 giờ tại các khu vực hồ chứa, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các sự cố... NGỌC PHÚ |
NGỌC PHÚ - NGUYỄN CẦU - HOÀNG HIỆP