Chính trị - Xã hội

Bảo đảm ATVSTP: Quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo địa phương

07:31, 05/01/2017 (GMT+7)

Tại cuộc họp giải trình của UBND thành phố với Thường trực HĐND thành phố về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chiều 4-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu phải quy trách nhiệm cụ thể không chỉ cho các sở, ban, ngành của thành phố mà còn quy trách nhiệm cụ thể cả bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, làm tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ mai sau.  	                   Ảnh: S.TRUNG
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, làm tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ mai sau. Ảnh: S.TRUNG

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cũng đặt vấn đề: “Đừng nghĩ làm công trình này, công trình kia to lớn mới quan trọng. Không gì ý nghĩa bằng làm tốt việc bảo đảm ATVSTP. Làm tốt việc này không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ mai sau. Chúng ta có dám làm để tự hào rằng ai đến Đà Nẵng ăn uống cái gì cũng an toàn không?”.

Dự họp có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng.

Cắt giảm một số công trình để đầu tư cho ATVSTP

Sau khi nghe lãnh đạo UBND thành phố và các sở: Y tế, Công thương, NN&PTNT báo cáo kết quả công tác bảo đảm ATVSTP trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đánh giá cao nỗ lực của UBND thành phố nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của lãnh đạo và cử tri.

Thường trực HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố sớm nghiên cứu đề xuất hình thành một cơ quan thống nhất đầu mối quản lý ATVSTP vốn đang xảy ra tình trạng chồng chéo giữa 3 ngành: Y tế, Công thương, NN&PTNT; nghiên cứu bố trí 1-2 cán bộ chuyên trách ATVSTP ở mỗi quận, huyện, phường, xã.

Đồng thời, UBND thành phố phải có sự đầu tư thỏa đáng kinh phí; nếu cần thiết, có thể xem xét cắt giảm kinh phí đầu tư một số công trình để chuyển qua cho công tác này. Thường trực HĐND thành phố giao Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát việc bố trí ngân sách cho công tác ATVSTP và đây phải là một trong những việc ưu tiên làm ngay trong năm 2017.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về ATVSTP.

Lực lượng quản lý thị trường phải thực thi công vụ nghiêm túc, không có hành vi tiêu cực để lọt hàng giả, hàng hóa độc hại, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Thường trực HĐND thành phố đồng tình với ý kiến công khai danh sách các cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm, đồ uống giả, hàng nhái trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường tính răn đe.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu phải quy trách nhiệm cụ thể không chỉ cho các sở, ban, ngành của thành phố mà còn quy trách nhiệm cụ thể cả bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã. Nơi nào chậm chuyển biến về công tác bảo đảm ATVSTP, để xảy ra vi phạm phải thay thế lãnh đạo địa phương.

Đồng thời, UBND thành phố phải có báo cáo địa phương nào làm tốt để HĐND thành phố biểu dương tại các kỳ họp hằng năm. Công tác bảo đảm ATVSTP phải thực hiện “nhất hô, bá ứng”, không để trên nói quyết liệt, dưới trì trệ hoặc không làm; trước mắt tập trung kiểm soát thực phẩm cung ứng cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Chậm thực hiện thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố

Chiều cùng ngày, Thường trực HĐND thành phố họp phiên thường kỳ tháng 1-2017, rà soát kết quả thực hiện các thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố về một số ý kiến của cử tri sau kỳ họp thứ 3 của HĐND thành phố và kiến nghị qua giám sát của các Ban của HĐND thành phố.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đánh giá việc thực hiện các thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố còn chậm, không đúng tiến độ cam kết, còn để nợ dồn qua các phiên họp; điển hình là những kết luận của Thường trực HĐND thành phố về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời; quản lý đất rẻo; các vấn đề liên quan đến các dự án trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang…

Giải trình một số vấn đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thừa nhận việc thực hiện thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời còn chậm. Quy định quản lý đất rẻo đã hoàn chỉnh dự thảo đang chờ trình phiên họp thường kỳ của UBND thành phố thông qua. UBND thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thảm nhựa 21 tuyến đường đã đưa vào kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. UBND thành phố cũng tiếp thu ý kiến và sẽ chỉ đạo xử lý việc bố trí dày đặc vòm chiếu sáng trang trí trên đường Nguyễn Văn Linh, đồng thời đôn đốc thực hiện các kết luận của Thường trực HĐND thành phố.

Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố, phải có chế tài cụ thể đối với đơn vị tổ chức thực hiện các kết luận này.

“Xếp hạng” 7 hãng taxi chạy ẩu, gây tai nạn

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố thống kê số vụ chạy ẩu, gây tai nạn giao thông trong năm 2016 của 7 hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng. Sau khi “xếp hạng”, UBND thành phố ra thông báo cảnh báo đối với hãng chạy ẩu, gây tai nạn nhiều nhất, có thể áp dụng biện pháp tạm dừng hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trước đó, nhiều ý kiến tại phiên họp phản ánh ngày càng nhiều xe taxi chạy ẩu, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đồng thời, không chỉ tính số vụ tai nạn mà tính cả số vụ phóng nhanh, chạy ẩu đã bị camera giao thông ghi hình.

1,215 tỷ đồng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm

Báo cáo của UBND thành phố năm 2017 dự kiến bổ sung kinh phí 1,215 tỷ đồng kinh phí cho ngành NN&PTNT và Y tế thành phố lấy mẫu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Năm 2016, thành phố đã chi gần 600 triệu đồng cho công tác này.

Các cơ sở kinh doanh có mẫu thực phẩm không đạt chỉ tiêu vi sinh vật và hóa học trong quá trình kiểm tra đều bị xử phạt hành chính. Trong năm 2016, có 916 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm về ATVSTP bị phạt hơn 2,5 tỷ đồng, cao nhất có trường hợp bị phạt 100 triệu đồng.

S.TRUNG

.