Chính trị - Xã hội
Khánh thành Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước: Chiến công của lòng dân
Theo người xưa truyền lại, Hồng Phước là phúc lớn. Làng Hồng Phước nằm trên một trảng cát lớn, xen lẫn các đầm sình lầy, cây hoang cỏ dại, gần núi Thanh Vinh, ở vị trí ngã ba của con đường hành lang từ vùng núi Khu I cánh Bắc Hòa Vang xuống, từ Quận Nhì Đà Nẵng lên và từ Khu II cánh tây Hòa Vang.
Với vị trí hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngay từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huyện ủy Hòa Vang và Ban cán sự Đà Nẵng, về sau là Quận ủy Quận Nhì Đà Nẵng, đã chọn Hồng Phước xây dựng thành khu căn cứ lõm cách mạng với mật danh B1.
Ông Phan Văn Tải (áo sẫm), Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì, Đội phụ trách lực lượng biệt động và Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Phúc Ngôn (bìa trái), Quận đội trưởng quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công 89 là những người từng được nhân dân Hồng Phước che chở, nuôi giấu dưới hầm bí mật trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Sơn Trung |
Ngọn đèn đứng gác
Sau khi đổ quân trực tiếp vào Đà Nẵng, Mỹ xây dựng căn cứ hậu cần và nhiều đồn bót xung quanh Hồng Phước. Phía tây bắc là hệ thống đồn bót phòng thủ liên hợp, phía đông là căn cứ hậu cần Bàu Mạc và sân bay Xuân Thiều, phía tây là tiểu đoàn pháo binh của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, tây nam là khu vực đóng quân của Liên đoàn 11 Biệt động quân Sài Gòn, phía đông nam là tiểu đoàn công binh Mỹ, ngay sát phía nam là khu phố Hòa Khánh dày đặc cảnh sát, mật vụ, bảo an, dân vệ.
Trong thế “tứ bề thọ địch” nhưng Hồng Phước vẫn được Huyện ủy Hòa Vang và Quận ủy Quận Nhì lựa chọn là nơi xây dựng, phát triển lực lượng phục vụ đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang trong lòng địch trên địa bàn cánh Bắc Hòa Vang và Quận Nhì, thành phố Đà Nẵng nhằm tận dụng quy luật “bóng tối dưới chân đèn” - nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất. Hơn nữa, người dân Hồng Phước vốn có truyền thống kiên trung với cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, làng Hồng Phước có 71 gia đình sinh sống trong 64 nóc nhà, tất cả đều là cơ sở cách mạng. Lợi dụng sự cho phép của chính quyền ngụy, nhân dân Hồng Phước đã đào hầm công khai để tránh đạn pháo “của Việt cộng” đồng thời tổ chức đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ ta từ căn cứ về hoạt động.
Các gia đình ở Hồng Phước đã đào 46 căn hầm bí mật. Gia đình bà Phạm Thị Miên có 7 căn hầm bí mật, gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương có 4 căn hầm bí mật, gia đình bà Hà Thị Mau có 4 căn hầm bí mật, gia đình bà Nguyễn Thị Liên có 3 căn hầm bí mật, gia đình bà Lê Thị Cảnh có 2 căn hầm bí mật… Mỗi căn hầm bí mật là nơi ẩn náu, ém quân từ 3 đến 5 đồng chí.
Khi chuẩn bị cho các trận đánh, các chiến dịch, ta phải đưa lực lượng từ căn cứ xuống vượt qua vùng giáp ranh giữa ta và địch để về căn cứ B1 ém quân một thời gian nhất định chờ giờ xuất quân. Từ căn cứ B1, lực lượng ta tiếp cận các mục tiêu trong vùng gần hơn, nhanh hơn để đánh địch và đánh xong lại rút quân về B1 ẩn nấp, chờ Mỹ ngụy hết lùng sục mới trở về căn cứ.
Đầu làng Hồng Phước phía tây bắc nhìn lên núi Hải Vân và cánh Bắc Hòa Vang, đầu làng phía nam nhìn vào núi Thanh Vinh. Nơi hai đầu làng, các cơ sở cách mạng tổ chức thắp đèn dầu làm tín hiệu báo an cho cán bộ, lực lượng ta từ căn cứ muốn vào B1 - Hồng Phước.
Tiêu biểu là ngọn đèn của nhà gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương. Vị trí ngôi nhà của mẹ Dĩ là hướng duy nhất để các lực lượng vũ trang quận Nhì về hoạt động tại căn cứ lõm B1 - Hồng Phước. Theo quy định, đèn sáng là an toàn, đèn tắt là có địch đang bố ráp, mai phục.
Những chiến công thuộc về nhân dân
Căn cứ B1-Hồng Phước là nơi xuất phát nhiều trận đánh của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Quảng Đà, Hòa Vang và Đà Nẵng, tiêu biểu như: Trận đánh kho xăng Liên Chiểu, trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, căn cứ Hoa Lư, Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong…
Hồng Phước là nơi đón nhiều bộ đội được chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam và cất giấu hàng trăm tấn gạo, muối, thuốc men, súng. B1-Hồng Phước không chỉ là điểm đứng chân mà còn là bàn đạp tiến công vào hậu phương của địch và là nơi lui quân về có dân nuôi giấu, đùm bọc, che chở. Đây là nơi đứng chân hoạt động rất an toàn của nhiều cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu I cánh Bắc Hòa Vang, Quận nhì Đà Nẵng.
So sánh với một số căn cứ lõm khác ở miền Nam thời chống Mỹ, B1-Hồng Phước không lớn nhưng rất đặc trưng về quy mô và hình thái của “các lõm chính trị” được xây dựng ở vùng địch với đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó đặc sắc nhất là lòng dân, như lời khẳng định của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng):
“Nếu không có những người dân như ba, mẹ anh Thị, ông Chữ, bà Miên, bà Mau, bà Liên, bà Cảnh, bà Thanh… không thể nào có được một căn cứ địa tuyệt vời như thế. Họ đã không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả. Thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân”.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thống nhất, nhân dân Hồng Phước trở lại với cuộc sống mới, nhiều gia đình trở về với cuộc sống đời thường, làm nòng cốt trong phong trào tại địa phương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và con em của Hồng Phước được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, công chức, công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị. Tất cả đều cảm thấy tự hào về những đóng góp của gia đình cho quê hương.
Thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân Hồng Phước, theo đề xuất của quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê, lãnh đạo thành phố đã đồng ý xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1-Hồng Phước trên diện tích đất 2.700m² với tổng mức kinh phí 7,2 tỷ đồng.
Đến nay, công trình Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước đã hoàn thành. Đây là công trình nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử vẻ vang của cán bộ và nhân dân Hồng Phước, có ý nghĩa tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã đóng góp công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đây sẽ là nơi bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
"Mẹ Dĩ và một số mẹ khác đêm đêm thắp sáng ngọn đèn để chỉ lối cho chúng tôi về. Cứ thấy ánh đèn le lói trong đêm, lòng anh em chúng tôi ấm lại. Đó là tín hiệu báo an toàn cho chúng tôi về Hồng Phước. Từ đây, chúng tôi nhận tin từ nội thành ra, gặp cơ sở nắm tình hình, huấn luyện cấp tốc kỹ thuật cách đánh cho đội viên biệt động, hướng dẫn những vấn đề cần thiết khác…”. Mẹ Dĩ và các mẹ khác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chưa một lần sai tín hiệu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần bảo toàn lực lượng và đảm bảo hành lang thông suốt." Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, nguyên Mũi trưởng Mũi biệt động trong những năm đánh Mỹ tại B1 - Hồng Phước |
Dương Thành Thị
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu