Chính trị - Xã hội

Quảng Nam sớm trở thành tỉnh công nghiệp

07:35, 25/03/2017 (GMT+7)

Tối 24-3, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 42 năm Ngày Giải phóng (24-3) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất.

Đến dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ); nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang và các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Diễn văn do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang trình bày đã điểm lại lịch sử hình thành tỉnh và truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của nhân dân Quảng Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sau hơn 20 năm xây dựng và hơn 10 năm đổi mới, trước yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết chia tách và tái lập một số tỉnh, thành phố trong cả nước kể từ ngày 1-1-1997, trong đó có tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Việc chia tách Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam được tái lập là điều kiện và cơ hội để cả hai địa phương cùng vươn lên phát triển. 20 năm qua, Quảng Nam đã có bước phát triển rất đáng tự hào.

Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp- dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế, với giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập.

Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến nay thu ngân sách đã đạt trên 20.000 tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

"Hai mươi năm như chưa hề có cuộc chia ly, Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn trước sau một mối tình nồng nàn, thắm đượm “rượu hồng đào chưa nhắm đà say”; cùng kề vai nhau nhìn ra thăm thẳm biển Đông, tôi choàng Non nước, anh ôm Núi Thành. Trong 20 năm đó, chúng ta giữ trọn lời hứa với Đảng, với dân như lời thơ chứa chan tinh thần lạc quan của một đồng chí lão thành cách mạng xứ Quảng: Nay đến lúc vươn tầm cao mới/khát vọng xây quốc phú, dân cường"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sau 20 năm, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành quả vượt bậc nhưng vẫn giữ gìn phát huy các giá trị của địa phương và di sản truyền thừa quý báu.

Năm 2016, GDP bình quân đầu người của tỉnh Quảng Nam đạt trên 53 triệu đồng, cao hơn mức trung bình cả nước; thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam đạt gần 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 10 trên 63 tỉnh, thành phố, là 1 trong 16 địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương.

Công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển ngoạn mục, giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 10 trong cả nước. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, quốc phòng - an ninh vững chắc…

Với những thành tựu đã đạt được, Quảng Nam đang khẳng định là nơi có môi trường sống, môi trường đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quảng Nam luôn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao truyền thống yêu nước, khí tiết cách mạng của quê hương “trung dũng, kiên cường” trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.

Cho đến hôm nay, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn là địa phương có tính hình mẫu về ý Đảng, lòng dân trong thực hiện mọi quyết sách về quốc phòng - an ninh, công cuộc phát triển của địa phương, không chỉ kinh tế - văn hóa - xã hội, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách được quan tâm đặc biệt.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy ô-tô Trường Hải, Quảng Nam.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy ô-tô Trường Hải, Quảng Nam.

Nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Nam cần nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế để hướng đến 20 năm tiếp theo. Đó là ngành du lịch có nhiều lợi thế nhưng đóng góp vào ngân sách của tỉnh chưa tương xứng.

Mặc dù có nhiều tiềm năng to lớn về nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp và dược liệu, với những giá trị độc đáo nhưng hiệu quả xúc tiến thương mại và đầu tư còn thấp. Miền núi và khu vực phía tây tỉnh Quảng Nam, đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn bấp bênh.

Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Quảng Nam cần luôn đề cao nguyên tắc hài hòa, bảo đảm mọi người dân phải được cung cấp nguồn lực, chia sẻ cơ hội và thừa hưởng những thành quả tiến bộ chung của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam phải luôn quan tâm, tiếp tục chăm lo sâu sắc hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn…

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho tỉnh Quảng Nam.

Sáng 24-3, tại huyện Đại Lộc, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành cầu Giao Thủy kết nối huyện Đại Lộc và huyện Duy Xuyên. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Nam chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017) và 42 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24-3-1975-24-3-2017).

Cầu Giao Thủy có thiết kế vĩnh cửa bằng bê-tông, cốt thép. Cầu có chiều rộng 12m, chiều dài 1.023m và đường dẫn hai đầu cầu dài 4,3km, nối đôi bờ vùng thượng lưu sông Thu Bồn thuộc hai huyện phía tây của tỉnh Quảng Nam là Đại Lộc với Duy Xuyên. Dự án có tổng mức đầu tư đến thời điểm khánh thành là 474 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Xác định là công trình trọng điểm, chủ đầu tư đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa công trình hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng.

Được biết, trước năm 1975, cầu Giao Thủy là cầu dã chiến do chính quyền Sài Gòn xây dựng, phục vụ cho mục đích quân sự, khai thác mỏ than Nông Sơn và Khu kỹ nghệ An Hòa, huyện Duy Xuyên. Vì tác động của bom đạn, cầu bị phá hủy, sau ngày giải phóng, nhân dân trong khu vực đã khắc phục tạm để đi lại nhưng sau đó lại phải tháo dỡ do hư hỏng nặng. Từ đó nhân dân trong vùng đi lại qua sông Thu Bồn bằng đò ngang rất nguy hiểm, nhất là vào mùa lũ. Trước nhu cầu bức thiết của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo và được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn xây dựng công trình. Sau 2 năm khẩn trương thi công, đến nay công trình cầu Giao Thủy đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, 42 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam, ngày 24-3 Tập đoàn Tân Hiệp Phát phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất nước giải khát Number one Chu Lai. Đây là nhà máy có công nghệ sản xuất hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà máy Number one Chu Lai là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sở hữu dây chuyền chiết Aseptic ABF (Aseptic Blow Fill), với công nghệ tiệt trùng khô, tích hợp máy thổi chai - máy chiết rót vô trùng của hãng GEA Procomac (Ý) phát triển.

Công nghệ này đã được Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vô trùng cho các sản phẩm có độ acid thấp (nhạy cảm với vi sinh vật). Trong giai đoạn 1, cho phép nhà máy xuất xưởng 48.000 chai/giờ/dây chuyền.

Được khởi công xây dựng từ tháng 5-2014, trên diện tích 26ha với tổng vốn đầu tư 1.820 tỷ đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, Nhà máy sẽ tạo ra các sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, không sử dụng chất bảo quản, có lợi cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, nhà máy tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

S.TRUNG

.