Chính trị - Xã hội

Nhiều mô hình cảm hóa thiếu niên lầm lỗi

14:32, 24/03/2017 (GMT+7)

Thực hiện Kế hoạch số 4107/KH-UBND về việc phối hợp cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh - thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, thời gian qua, các cấp hội, đoàn thể có những mô hình hay, hiệu quả giúp các em trở thành người có ích cho xã hội.

Đoàn Thanh niên quận Sơn Trà trong một lần đi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em để lên kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ.
Đoàn Thanh niên quận Sơn Trà trong một lần đi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em để lên kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ.

Năm 2016, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố được giao cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thí điểm 100 thanh-thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó Hội Cựu chiến binh nhận cảm hóa, giáo dục 40 em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) 30 em, Đoàn Thanh niên 30 em). Để công tác cảm hóa đạt hiệu quả, 3 đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với tình hình thực tế như: “Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn” của Hội LHPN; “4 trong 1” của Hội Cựu chiến binh (gồm 1 chủ tịch hội, 1 chi hội trưởng, 1 hội viên gần nhất, 1 cảnh sát khu vực theo dõi, kèm cặp 1 em trong diện cảm hóa giáo dục); mô hình “1 trong 4” của Đoàn Thanh niên (1 cán bộ Thành Đoàn, 1 cán bộ quận Đoàn, 1 cán bộ Đoàn xã, phường, 1 cán bộ Đoàn hoặc đoàn viên là công an kèm cặp 1 em trong diện cảm hóa giáo dục).

Mặc dù có 3 đến 4 người “kèm” một người nhưng mọi việc không hề dễ. Bà Mai Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) tâm sự, khó nhất là giai đoạn tiếp cận lúc ban đầu, hầu như không em nào chịu hợp tác, thậm chí tỏ thái độ cáu gắt, bực bội. Trước những tình huống này, các chị phải thật kiềm chế, bình tĩnh và không nản lòng. “Như trường hợp em Hà Văn T., tôi luôn theo sát tìm hiểu em chơi với ai, hay ngồi quán nào, đối xử với gia đình ra sao... Từ đó, tôi mới tiếp cận trò chuyện, động viên. Đến khi em mở lòng tâm sự thì tôi vận động em làm đơn đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình - cộng đồng. Bản thân tôi trực tiếp chở em đến trung tâm y tế để cắt cơn và đồng hành cùng em trong suốt quá trình cai nghiện. Xác định đến với các em bằng tấm lòng chân thành của người mẹ, người chị, người bạn mới mong thành công”, bà Thuận chia sẻ.

Cùng với quá trình quản lý, cảm hóa giáo dục, việc tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ các em về sinh kế để ổn định cuộc sống cũng được chú trọng. Theo ông Nguyễn Min, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Sơn Trà, các em đa số tuổi đời còn trẻ, kỹ năng sống hạn chế nên khi cai nghiện thành công mà không có nghề nghiệp thì dễ bị bạn bè xấu dụ dỗ, lôi kéo tái nghiện. Vì thế, cán bộ phụ trách phải chia sẻ, tìm hiểu để biết các em mong muốn làm gì, từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp.

Trong năm qua, bằng kinh phí của thành phố và nguồn vận động xã hội, các hội, đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ 74 em, trong đó 1 em học văn hóa, 30 em học nghề, 18 em được hỗ trợ vốn và công cụ lao động, 25 em được hỗ trợ phương tiện đi lại, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; qua đó đã tạo điều kiện cho 55 em có việc làm ổn định. Bằng nhiều giải pháp, các hội, đoàn thể đã cảm hóa được 73 em (chiếm 73%); 27 em chưa tiến bộ (27%).

Bài và ảnh: HÀ THU

.