Chính trị - Xã hội

Nhiều bất cập trong kiểm soát ô nhiễm nước

07:48, 29/09/2017 (GMT+7)

Thảo luận các vấn đề bất cập trong thực thi pháp luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay tại các địa phương; đề xuất giải pháp khắc phục bất cập và tăng cường hiệu quả thực thi của pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước là nội dung được đề cập tại hội thảo khoa học “Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam- Các bất cập và giải pháp”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 28-9.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, nguyên Trưởng ban Phát triển bền vững Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CERC) cho biết,  bất cập lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước còn chồng chéo khiến việc kiểm soát ô nhiễm nước ở nhiều địa phương vượt tầm kiểm soát.

Bà Lý dẫn ra các trường hợp ô nhiễm điển hình mới đây như ô nhiễm sản xuất xử lý cà-phê tại suối Pó Cá (Sơn La); ô nhiễm kênh Bốn Xã (Bắc Ninh) do các doanh nghiệp chăn nuôi và làm bún xả thải, dẫn đến mùi hôi thối, cá chết, ruộng lúa không phát triển; ô nhiễm nước thải từ các nhà hàng, nước thải sinh hoạt, cống rãnh khiến cá chết đồng loạt ở Hồ Tây (Hà Nội); hay việc cá chết hàng loạt dọc bãi biển 4 tỉnh bắc miền Trung do nước thải công nghiệp không được xử lý triệt để của Formosa. Điều đó cho thấy công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm tại các địa phương còn nhiều bất cập.

Trước những bất cập đó, bà Lý phải kiểm soát được ô nhiễm nguồn nước để bảo vệ nguồn nước sạch. “Việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước phải bắt đầu từ việc xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước. Bởi thực tế, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay bị quản lý, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, dẫn đến nhiều bất cập, rời rạc.

Vì vậy, Luật Kiểm soát ô nhiễm nước sẽ là luật chuyên biệt ngăn được các chất gây ô nhiễm, tổng hợp các công cụ, chế tài hiện nay; đồng thời, luật ra đời sẽ lấy KH&CN làm nền tảng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc để khống chế, kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay”.

Bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho rằng, kiểm soát ô nhiễm là nội dung quan trọng trong quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa, khái niệm, nội dung cũng như quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường nước đầy đủ và thống nhất.

Hơn nữa, công tác kiểm tra, phát hiện, theo dõi, xử lý, khắc phục các khu vực nước bị ô nhiễm, xác định thiệt hại về ô nhiễm môi trường nước chưa đầy đủ.

Vì vậy, bà Hiền đề xuất thành phố cần ban hành quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải; đồng thời, hoàn thiện các quy định như việc tăng giá dịch vụ, quy định về đấu nối, tiêu chuẩn xả thải. Song song đó, cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm; có cơ chế, chính sách phối hợp giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích đầu tư, xã hội hóa các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm nước cũng như các chính sách về tài chính để đẩy mạnh việc ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường nước.

THANH TÌNH

.