Chính trị - Xã hội

Số con giảm, tuổi thọ tăng

14:24, 29/09/2017 (GMT+7)

Trong giai đoạn 1977-2017, số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta đã giảm từ 5,6 con xuống còn 2,09. Mức sinh thay thế được duy trì suốt 10 năm qua. Tỷ lệ phát triển dân số giảm từ mức 3%/năm xuống còn 1,08%/năm. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ giảm đáng kể...

Hội nghị tổng kết và triển khai giai đoạn 2016-2020 công tác dân số.
Hội nghị tổng kết và triển khai giai đoạn 2016-2020 công tác dân số.

Một thành tựu đáng kể trong công tác dân số và thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên (từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,3 tuổi năm 2015). Chuẩn mực gia đình ít con và hạnh phúc ngày càng được đại đa số người dân chấp nhận và thực hiện. Những kết quả trong việc giảm sinh và duy trì mô hình gia đình ít con đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nếu trước đây chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào mục tiêu giảm sinh, nay chính sách dân số mới sẽ tập trung vào 6 mục tiêu là duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số. Hiện nước ta là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ già hóa nhanh nhất. Dự báo đến năm 2040, nước ta sẽ chấm dứt thời kỳ dân số vàng.

Việc tỷ lệ sinh thấp không chỉ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mà diễn ra ở tất cả các đô thị và do nhiều nguyên nhân. Thường những vùng kinh tế phát triển thì mức sinh lại thấp; ở nông thôn, sinh con là để cải thiện kinh tế, để có người đi làm hỗ trợ gia đình. Trong khi ở thành thị, sinh một người con là phát sinh rất nhiều chi phí làm hao hụt kinh tế. Phụ nữ ở thành phố chủ động về kinh tế, quyết định việc lấy chồng, sinh con và có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ KHHGĐ nên vấn đề sinh con ngoài ý muốn sẽ được hạn chế. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn. Dân số nước ta đang ở thời kỳ “dân số vàng” nên hai người trẻ đang nuôi 1 người già, nhưng khi dân số già đi, thì một người trẻ phải chăm sóc từ 2 đến 4 người già. Nước ta thuộc nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới, chất lượng dân số rất thấp, tỷ lệ sinh không đồng đều giữa các vùng miền và đang mất cân bằng giới tính.

Nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công tác dân số. Song để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, Việt Nam còn phải tiếp tục vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Riêng trong lĩnh vực dân số, với quy mô dân số khá lớn và tiếp tục gia tăng, việc kiểm soát tốc độ gia tăng dân số chưa thực sự vững chắc, chưa đồng đều. Xu hướng già hóa dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang diễn ra mạnh, lan rộng ở nhiều vùng, miền, địa phương, việc tận dụng lợi thế của cơ cấu dân số vàng còn hạn chế... là những thách thức không nhỏ đối với công tác dân số trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chuyển hướng chiến lược từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển theo hướng giải quyết toàn bộ các vấn đề về dân số, cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp và toàn xã hội, để góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác dân số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong thời gian tới, những nhà hoạch định chính sách phải đưa ra các chiến lược truyền thông thích hợp trong thời kỳ mới và rất cần có sự giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

.