Chính trị - Xã hội

Thực hiện đề án giảm nghèo

Tấm lòng của chị Tuyết

14:24, 29/09/2017 (GMT+7)

Tôi ghé nhà chị Võ Thị Tuyết, ở số 7 Mai Am (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) thăm chơi mới hay tin chị vừa chuẩn bị một xe hàng 700 suất quà gồm mì tôm, dầu ăn, gạo…, mỗi suất trị giá 600.000 đồng để sáng ngày 1-10 tới ra Quảng Bình, Hà Tĩnh giúp bà con nghèo khó bị thiệt hại trong cơn bão số 10 vừa qua.

Chị Tuyết tập trung quà tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để giúp bệnh nhân nghèo.
Chị Tuyết tập trung quà tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để giúp bệnh nhân nghèo.

Còn nhớ, vào những năm của thập niên 90, Tuyết là cô gái mới lớn, không có nghề nghiệp ổn định nên đành phải chọn bến cá Thuận Phước làm kế mưu sinh. Hằng ngày, chị thức khuya, dậy sớm khiêng cá, bốc cá cho các chủ tàu, cuộc sống cơ cực, lam lũ muôn phần.

Với bản tính kiên trì, nhẫn nại, dần dà chị cũng vượt qua một phần khó khăn phía trước. Nhờ chắt chiu dành dụm được ít vốn và khá thành thạo trong việc buôn bán hải sản tươi sống, chị quyết định đầu tư vốn để thu mua trực tiếp hải sản của một số chủ tàu đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của không ít ngư dân. Mỗi khi tàu cập bến, mua được hàng, chị tiếp tục “phân phối” lại cho các công ty, xí nghiệp... trong và ngoài thành phố. Mặt khác, số mực, cá đủ tiêu chuẩn sẽ đưa vào kho đông lạnh xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Thị trường xuất khẩu có lúc bấp bênh, nhiều chuyến hàng vào xe đông lạnh để lên đường nhưng trong lòng chị vẫn nơm nớp âu lo, bởi đây là mặt hàng rất dễ bị đối tác gây áp lực để ép giá, phá giá và thực tế không ít chuyến hàng bị lỗ nặng. Sau khi bến cá Thuận Phước dời qua âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), tuy điều kiện kinh doanh có phần khó khăn, bất tiện, nhưng xác định ở bất cứ đâu, chữ tín vẫn là yếu tố then chốt nên những chuyến hàng xuyên biên giới chị luôn bảo đảm chất lượng và độ an toàn thực phẩm cao.

Con đường làm ăn của chị tiến triển nhịp nhàng, chị bàn với chồng nghĩ tới những mảnh đời hẩm hiu, nghèo khó. Hơn chục năm nay, vợ chồng chị Tuyết thống nhất trích ra một phần nhất định để giúp những số phận bất hạnh, nhất là những lúc thiên tai đe dọa, hoành hành. Mỗi khi các trận bão, lũ xuất hiện, vợ chồng chị theo dõi chặt chẽ trên các kênh thông tin đại chúng để biết rõ nơi nào bị thiệt hại nặng. 

Khi dòng nước đỏ quạch vừa rút, hoặc giông gió vừa tan, những chuyến xe tải của chị đầy ắp gạo, mì tôm, quần áo may sẵn trị giá hàng trăm triệu đồng liền bon bon lên đường để đến với đồng bào. Dải đất miền Trung ràn rạt nắng gió đầy khắc nghiệt này hằng năm phải oằn mình gánh chịu hàng chục trận bão, lụt và bất cứ ở đâu, những thùng mì tôm, những bao gạo trắng, những tấm chăn, manh áo hay nói đúng hơn là tấm lòng của vợ chồng chị Tuyết cũng đều hướng về để sẻ chia bớt một phần mất mát với bà con.

Chính vì vậy, trong những năm qua, nhiều chuyến hàng từ thiện của chị đều đến các vùng xa xôi của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình... mỗi khi thiên tai, giông bão. Mới đây, vợ chồng chị đã về tận xã miền núi Tr’Hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, một địa bàn hết sức khó khăn ở sát biên giới Việt-Lào để tặng 300 suất quà, mỗi suất 350.000 đồng cho bà con dân tộc thiểu số.

Không những thế, như thành lệ, hằng năm, cứ trước Tết Nguyên đán chục ngày, chị Tuyết đều chuẩn bị từ 500-600 suất quà rồi cử người đi tìm giao phiếu cho những người nghèo để họ đem phiếu đến ngôi nhà của chị nhận quà về ăn Tết.

Ngoài ra, đều đặn mỗi tháng một lần, chị tổ chức nấu cháo, mua bánh mì, sữa... liên hệ với các Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, BV Tâm thần Đà Nẵng, BV Ung bướu, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng... để giúp đỡ những người nghèo không may bị bệnh tật. Chị Tuyết tâm sự: “Em sinh ra, lớn lên trong sự thiếu thốn nên thấu hiểu nỗi cơ cực của phận nghèo, nhất là đối với những người nghèo lại lâm cảnh éo le, hoạn nạn. Tuy chưa phải là người giàu có chi nhưng vợ chồng em cũng cố gắng trích ra một phần nhỏ để giúp đỡ một số trường hợp bất hạnh. Mỗi khi làm được chuyện này, lòng em cảm thấy nhẹ nhõm”.  

Bài và ảnh: THÁI MỸ

.