Chính trị - Xã hội

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Không thu hồi được tài sản là chống tham nhũng chưa triệt để

09:40, 07/11/2017 (GMT+7)

Ngày 6-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2017; các báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH và thảo luận về các nội dung trên.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, với nòng cốt là lực lượng công an nhân dân, biên phòng, các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể. Lực lượng chức năng đã khởi tố điều tra 40.497 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội với 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08 số bị can so với năm 2016. Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ có hung khí vẫn xảy ra ở một số nơi. Đáng chú ý, sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy; tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp; tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương.

Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt những kết quả tiến bộ. Việt Nam là một quốc gia an toàn trong một thế giới còn nhiều biến loạn, phức tạp, đó là thành tựu lớn, đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy vậy, ĐB cho rằng, cần thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế làm lòng dân chưa yên. Đó là tình hình tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm nghiêm trọng diễn biến phức tạp, đáng chú ý là các vụ giết người thân trong gia đình với những thủ đoạn tàn độc gây hoang mang, bức xúc cho xã hội. Tình hình xâm phạm tình dục trẻ em, hành hung đội ngũ thầy thuốc ngay trong các cơ sở khám chữa bệnh thật sự đáng báo động. Nhiều vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài. “Có hay không hành vi làm ngơ tiếp tay bảo kê cho phá rừng? Thật ngạc nhiên khi có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng không khởi tố được bị can nào. Vậy tội phạm ở đâu hay cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta yếu kém bất lực?”, ĐB Hoàng Đức Thắng nêu.

Khó khăn trong nhận diện tài sản tham nhũng

Về công tác phòng, chống tham nhũng, phát biểu tại phiên làm việc chiều 6-11, ĐB Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, số tài sản tham nhũng không hề nhỏ, tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất. Những năm gần đây, thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu.

Phân tích nguyên nhân, ĐB Mai Thị Phương Hoa cho rằng, đa số đối tượng phạm tội tham nhũng có chức vụ, trình độ nên việc phạm tội có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi, tẩu tán hoặc hợp thức hóa tài sản, có trường hợp tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng chưa thực sự quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng.

Cũng theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, việc kê khai tài sản lâu nay chủ yếu dựa vào ý thức tự giác mà chưa có quy định chặt chẽ trường hợp xác minh tài sản và công khai rộng rãi kê khai, chưa có biện pháp kiểm soát thu nhập của người dân nói chung và người có quyền hạn, tình trạng dùng tiền mặt còn phổ biến... khiến việc nhận diện tài sản tham nhũng khó khăn.

Từ thực trạng trên, ĐB Mai Thị Phương Hoa kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng hợp lý đối tượng kê khai tài sản, công khai thực chất hơn, quy định xác minh tài sản một cách chủ động hơn. Qua tố tụng khi xác định tài sản do tham nhũng mà có thì cương quyết áp dụng biện pháp thu hồi cũng như kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản nhằm phục vụ thi hành án sau này. “Dù cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu và tuyên những bản án nghiêm khắc đến mấy mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, chưa đạt mục tiêu đề ra”, ĐB Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Báo cáo về thu hồi tài sản nhạt nhòa

ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, thu hồi tài sản là vấn đề trọng tâm trong chủ trương, mục tiêu chính trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, là chính sách hình sự quan trọng được thể hiện rõ nét trong bộ luật hình sự. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ gần như không phản ánh vấn đề này, hoặc chỉ có một dòng nhạt nhòa: “thu hồi có tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp” và cũng không đưa ra giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này.

ĐB Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo dõi một số vụ án lớn thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia còn thất vọng hơn nhiều. Như vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án thì hai bị cáo Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho công ty Vinashin là 989,2 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả thi hành án. Tuy nhiên, đến 7-2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường cho công ty Hàng hải Việt Nam 110 tỷ đồng và lãi trả chậm, nhưng đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.

Theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, các cơ quan tiến hành tố tụng thi hành án cần coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách, ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, thời gian qua, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện. “Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm”, ĐB băn khoăn; đồng thời cho biết cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” mãi được.

B.T

.