Dừng hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm: Một quyết định khó khăn

.

Cụm công nghiệp Thanh Vinh được quy hoạch, xây dựng để bố trí các ngành công nghiệp nhẹ (điện tử, may mặc...), nhưng lại bố trí hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc có công suất nấu, luyện đúc phôi thép lớn (từ 180.000 - 200.000 tấn/năm), thuộc nhóm ngành công nghiệp độc hại và giáp khu dân cư (KDC).

Hoạt động của hai nhà máy thép không bảo đảm các yếu tố về môi trường, cảnh quan khu vực và không phù hợp với mục tiêu quy hoạch trước đây cũng như định hướng phát triển của thành phố.

Nhà máy thép nằm bên đường Nguyễn Tất Thành nối dài nên người dân xã Hòa Liên và dư luận không thể chấp nhận hình ảnh phá vỡ quy hoạch này.  			     Ảnh: NAM TRÂN
Nhà máy thép nằm bên đường Nguyễn Tất Thành nối dài nên người dân xã Hòa Liên và dư luận không thể chấp nhận hình ảnh phá vỡ quy hoạch này. Ảnh: NAM TRÂN

Nhiều năm qua, hoạt động của hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống của hơn 1.000 người dân ở hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), khiến người dân nhiều lần bao vây, buộc hai nhà máy ngừng nấu, luyện phôi thép.

Việc tồn tại hai nhà máy thép cũng không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực cũng như chủ trương của thành phố về phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố môi trường. Vì thế, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương không để hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục hoạt động trên địa bàn xã Hòa Liên.

Phá vỡ quy hoạch

Hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc được UBND thành phố chấp thuận xây dựng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh lần lượt vào tháng 11-2007 và 4-2008. Theo quy định, đối với cụm công nghiệp khi hình thành phải có khoảng cách an toàn về môi trường tính từ cơ sở sản xuất dệt, may mặc... đến KDC tối thiểu 50m.

Tuy nhiên, khi Cụm công nghiệp Thanh Vinh hình thành thì không có khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định đối với KDC thuộc hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2.

Trước tình hình này, cuối năm 2009, UBND thành phố đã có công văn giao Sở Xây dựng xác định ranh giới đền bù giải tỏa một số hộ dân gần hai nhà máy. Mặc dù Sở Xây dựng đã xác định khoảng cách cách ly theo quy định đối với nhà máy sản xuất thép là 500m nhưng chỉ đề xuất ranh giới rộng 85m.

Tháng 10-2011, UBND thành phố có văn bản thống nhất ranh giới giải tỏa khu vực cách nhà máy thép Dana - Ý là 30m để trồng cây xanh cách ly (đến đường dân sinh) và không cho phép lắp đặt dây chuyển sản xuất tại lô đất gần KDC để bảo đảm khoảng cách ly từ dây chuyền sản xuất đến KDC lớn hơn 85m.

Thực tế, đến nay, hai nhà máy thép đã chủ động chi trả 47,5 tỷ đồng để đền bù giải tỏa cho gần 280 hộ dân; ngoài ra trước khi đưa nhà máy vào hoạt động (năm 2007) đã mua 19 lô đất của người dân sống gần khu vực nấu luyện phôi thép.

Tháng 8-2016, Sở Xây dựng có công văn ghi rõ: Khoảng cách ly từ nhà máy thép Dana - Ý đến KDC chỉ từ 31,5 - 80,3m, không bảo đảm khoảng cách ly tối thiểu 500m. Tuy nhiên, nếu giải tỏa bảo đảm khoảng cách ly tối thiểu 500m thì cần phải giải tỏa các dự án và nhà dân lân cận với diện tích 117ha.

Trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng, UBND thành phố đã thống nhất không mở rộng khoảng cách ly do khối lượng giải tỏa lớn và giao cho nhà máy thép Dana - Ý trồng cây xanh cách ly với mật độ tối thiểu 60% diện tích đất, xây dựng tường cách âm với KDC, bố trí thời gian hoạt động và sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, không tăng công suất nhà máy, nghiên cứu công nghệ hiện đại để thu gom và xử lý bụi, khí thải...    

Ngày 22-12-2017, sau khi thị sát hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kết luận: “Hai nhà máy này đặt ở vị trí hiện tại là phá nát quy hoạch. Ngành luyện thép không nằm trong lĩnh vực quy hoạch của Cụm công nghiệp Thanh Vinh, không phải ngành công nghiệp mà Đà Nẵng ưu tiên”.

Trước đó, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng báo cáo với Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa rằng, hai nhà máy thép được hình thành từ năm 2007, trong khi quy hoạch ở cụm công nghiệp này là phát triển công nghiệp điện tử, dệt may...

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo cần có phương án di dời hai nhà máy nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài. “Cần giải quyết một lần cho xong, chứ không thì phá vỡ quy hoạch của thành phố cùng các ngành sản xuất khác”, Bí thư Trương Quang Nghĩa chỉ đạo tại buổi làm việc này.

1.300 chậu cúc cảnh phục vụ Tết của người dân trồng bên tường rào Nhà máy thép Dana - Ý bị chết khô vì ảnh hưởng khói bụi, nước ngầm đen ngòm.
1.300 chậu cúc cảnh phục vụ Tết của người dân trồng bên tường rào Nhà máy thép Dana - Ý bị chết khô vì ảnh hưởng khói bụi, nước ngầm đen ngòm.

Vì sự phát triển bền vững

Theo tính toán của các ngành chức năng, có ít nhất 7 đồ án quy hoạch nằm trong khoảng cách ly 500m tính từ hai nhà máy thép với diện tích bị ảnh hưởng lên đến 127ha nếu hai nhà máy tiếp tục hoạt động.

Theo đó, khu TĐC Hòa Liên 5 bị ảnh hưởng 17ha, gồm 559 lô đất TĐC; khu TĐC xã Hòa Liên (phục vụ dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng) bị ảnh hưởng 3,24ha, 173 lô đất; khu TĐC xã Hòa Sơn bị ảnh hưởng 4,2ha, 192 lô đất; khu TĐC phía tây bắc khu TĐC số 6 - đường ĐT 602 bị ảnh hưởng 1,94ha, 44 lô đất; vệt sử dụng đất tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài bị ảnh hưởng 9,31ha, 77 lô đất; vệt sử dụng đất phía đông đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan bị ảnh hưởng 73,82ha; vệt khai thác quỹ đất dọc đường ĐT 602 bị ảnh hưởng 17,17ha.    

Theo Văn phòng UBND thành phố, phương án di dời hai nhà máy thép không khả thi vì không có địa điểm phù hợp trên địa bàn thành phố để bố trí, đồng thời phải hỗ trợ kinh phí lớn để di dời...

Thực tế, nếu di dời đến địa phương khác cũng phải mất từ 3-5 năm và cũng khó có địa phương nào chấp thuận. Mặt khác, sau khi di dời nhà máy cũng không có cơ hội để chỉnh trang đô thị ở thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2...

Phương án nâng cấp công nghệ, tiến tới đóng cửa hai nhà máy theo lộ trình kết hợp di dời dân có nhiều ưu điểm, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực chưa được giải quyết triệt để và còn kéo dài thêm một thời gian nữa.

Bên cạnh đó, áp lực về quỹ đất TĐC rất lớn (hơn 1.200 lô đất); chi phí đền bù giải tỏa lớn nhưng doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Hơn nữa, phải nghiên cứu giải tỏa thêm một số khu vực tại thôn Vân Dương 1 trong khoảng cách ly 500m...

Sau khi cân nhắc, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định phương án dừng hoạt động hai nhà máy và không di dời dân.

Quyết định này sẽ làm thất thu ngân sách khoảng 200-300 tỷ đồng/năm, đền bù thiệt hại với kinh phí lớn cho các nhà máy; thiệt hại lớn cho nhà máy ước tính trên 2.100 tỷ đồng, 1.200 công nhân sẽ mất việc làm; chậm chỉnh trang đô thị tại khu vực thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 và không khớp nối hạ tầng đồng bộ tại khu vực...

Tuy nhiên, quyết định này sẽ giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường tại khu vực, chấm dứt việc khiếu kiện của người dân, thành phố chưa chịu áp lực về giải tỏa di dời dân và bố trí TĐC. Quan trọng nhất, quyết định này bảo đảm các yếu tố về môi trường, cảnh quan khu vực, phù hợp với mục tiêu quy hoạch trước đây, không phá vỡ các quy hoạch hiện có tại khu vực xung quanh và định hướng phát triển của thành phố, đặc biệt là tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường.

 

Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc có dây chuyền luyện cán thép công suất 200.000 tấn/năm, thuộc loại xí nghiệp độc hại cấp II.

Theo quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng, khoảng cách ly đối với nhà máy độc hại cấp II nhỏ nhất là 500m.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa công ty và nhà dân không bảo đảm, có những vị trí nhà dân sát tường rào nhà máy, cùng với việc hai đơn vị chưa chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến người dân, là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường của thành phố” (Trích Báo cáo số 298/BC-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 25-11-2017)

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.
.