Báo chí với việc bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử là một bộ phận quan trọng trong mối quan hệ giữa báo chí và chính trị.
Người làm báo nhạy cảm chính trị ý thức sâu sắc rằng góp phần vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử cũng là góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Người làm báo chân chính không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; không thể làm ngơ trước tham-vọng-lưỡi-bò của ai đó muốn độc chiếm toàn bộ Biển Đông; càng không thể làm ngơ trước những cách làm kinh tế đơn thuần bất chấp hiểm họa không quá khó hình dung về chủ quyền lãnh thổ của đất nước…
Di tích Hải Vân quan Ảnh: LÊ HOÀNG |
Nhưng người làm báo cũng ý thức sâu sắc rằng đất nước bị xâm lăng không chỉ là câu chuyện Hoàng Sa và một số thực thể địa lý ở Trường Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ mấy chục năm nay…
Nguy cơ đất nước bị xâm lăng còn là câu chuyện một số hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam ngay trên đất Việt Nam và đáng sợ hơn là câu chuyện một số người Việt sống thiếu ký ức, lãng quên quá khứ của dân tộc mình. Nguy cơ đất nước bị xâm lăng còn là câu chuyện ai đó muốn tranh giành đàn bầu Việt Nam là của họ…
Chính vì thế qua trường hợp Đà Nẵng, có thể thấy với người làm báo, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, góp phần làm cho lịch sử đất nước và văn hóa dân tộc luôn ngời sáng trong trái tim người Việt, chính là góp phần bảo vệ chủ quyền, chống xâm lăng về văn hóa.
Hải Vân quan vừa được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đang trở thành một di sản văn hóa có một không hai của đất nước, bởi không có nơi nào trên đất nước này, một di sản văn hóa vật thể lại được giao cho hai địa phương cùng chung tay gánh vác việc bảo tồn. Có được “kỳ tích” ấy phần lớn là nhờ báo chí.
Tháng 9 năm 2015, nhà báo Nguyễn Đông đã viết một bài báo đăng trên VnExpress có nhiều ảnh kèm theo với cái nhan đề đầy ấn tượng: Hoang phế Hải Vân quan! Báo Tiền Phong cùng ngày đăng lại bài này đổi nhan đề thành Cận cảnh hoang phế Hải Vân quan!
Thực ra từ tháng 11 năm 2013, một nhóm phóng viên Truyền hình Báo Tuổi Trẻ cũng đã thực hiện bộ phim tài liệu ngắn có nhan đề Hoang phế… Hải Vân quan! Xa hơn nữa, từ tháng 9 năm 2011, nhà báo Dương Văn Út đã đăng trên Báo Sức khỏe và Đời sống bài Đệ nhất hùng quan thành… đệ nhất hoang phế và khi Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam đăng lại bài này đã đổi nhan đề thành Hoang phế Hải Vân quan!
Cái nhan đề có hai chữ “hoang phế” quả tình đã tạo được một hiệu ứng xã hội về số phận của Hải Vân quan. Tháng 10 năm 2015, nhà báo Hoàng Yến đã đề cập một cách bóng gió trên Thể thao và Văn hóa về nguồn cơn dẫn đến hoang phế Hải Vân quan qua nhan đề bài báo: Hải Vân quan hoang phế bởi phận “một vợ, hai chồng”.
Đầu năm 2016, nhà báo Cao Thái nói rõ hơn qua bài báo Huế - Đà Nẵng mải giằng co, Hải Vân quan hoang tàn đăng trên VietnamNet; còn nhà báo Tấn Việt thì nói thẳng vào bản chất của vấn đề khi đăng bài Hải Vân quan hoang phế vì tranh chấp địa giới trên Báo Giao thông. Chính vì thế, khi lãnh đạo ngành văn hóa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng biết cùng nhau hướng đến đại cuộc, báo chí rất đồng tình ủng hộ.
Từ đầu năm 2016, nhà báo Ngọc Hà đã đăng trên Báo Đà Nẵng bài Chung tay quản lý Hải Vân quan, trực tiếp phỏng vấn Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng và Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng. Mọi việc diễn ra đúng như hình dung đầy thành tâm thiện chí của hai giám đốc, và đến tháng 4 năm 2017, Báo Điện tử Người Đưa Tin đăng bài của hai nhà báo Huy Cường và Nhâm Thân với nhan đề Cái “bắt tay” quan trọng cứu Hải Vân quan bị hoang phế 20 năm; tháng 5 năm 2017, Báo điện tử Đại Đoàn Kết đăng bài của nhà báo Dương Thanh Tùng với nhan đề Bắt tay vì Hải Vân quan; tháng 2 năm 2018, Báo điện tử Pháp Luật Plus đăng bài của nhà báo Toàn Khánh với nhan đề Cái bắt tay hồi sinh Hải Vân quan.
Đồng hành với Hải Vân quan trong chiến lược của triều đình nhà Nguyễn phòng thủ cửa biển Đà Nẵng - cũng là phòng thủ Kinh thành Huế - là Thành Điện Hải. Và nhiều năm liền số phận của Thành Điện Hải cũng không may mắn gì hơn số phận của Hải Vân quan.
Và báo chí cũng đã sớm vào cuộc. Từ tháng 5 năm 2012, nhà báo Hải Châu từng viết bài báo “Bóng đè” trên di tích Thành Điện Hải đăng trên báo điện tử Infonet. Cách nói “bóng đè” rất ám ảnh của Hải Châu đã thôi thúc không ít nhà báo nói thẳng vào bản chất của vấn đề.
Tháng 3 năm 2014, nhà báo Hoàng Anh đăng trên Báo Công an Đà Nẵng bài Thăng trầm Thành Điện Hải, nhà báo Nguyễn Tú đăng trên Báo Thanh Niên bài Di tích quốc gia Thành Điện Hải bị xâm hại; tháng 8 năm 2016, nhà báo Đỗ Vinh đăng trên Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam bài Di tích Thành Điện Hải Đà Nẵng-Ngang nhiên bị xâm hại; tháng 10 năm 2016, nhà báo Quang Quý đăng bài ‘Băm nát’ di tích Thành Điện Hải trên Báo Người Lao Động và nhà báo Ngọc Hà đăng bài Thành Điện Hải bị xâm hại trên Báo Đà Nẵng.
Đầu năm 2018, Báo Đà Nẵng “thừa thắng xông lên” với loạt bài bốn kỳ cũng của nhà báo Ngọc Hà: Thành Điện Hải: Hồn cốt văn hóa Đà Nẵng và khẳng định phải cứu lấy hồn cốt này bởi “của tin còn lại chút này”...
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà tháng 3 năm 2018, sau khi Thành Điện Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Báo Đà Nẵng đã đăng bài Như lời tạ lỗi với tiền nhân của Bùi Văn Tiếng, nhấn mạnh: “Quyết tâm chính trị và nỗ lực đáng kể/đáng nể của chính quyền thành phố gần hai năm qua trong trong việc ứng xử với một thành-Điện-Hải-di-tích-quốc-gia-đặc-biệt còn được xem như lời tạ lỗi với tiền nhân!”.
Cũng chính báo chí đã cứu làng chài cổ Nam Ô. Từ tháng 11 năm 2016, nhà báo Bích Vân đặt một câu hỏi trên Báo Người Lao Động: Đâu rồi làng mắm Nam Ô? Đến tháng 5 năm 2017, nhà báo Hải Quỳnh đặt một câu hỏi nao lòng hơn nhiều trên Báo Công an Đà Nẵng: Làng biển Nam Ô sắp mất? Nao lòng hơn nhiều vì Nam Ô không chỉ có làng mắm.
Cuối năm 2017, nhà báo Ninh Nguyễn đăng trên Thời Nay - ấn phẩm của Báo Nhân Dân bài Nỗi buồn làng Nam Ô. Đến cuối tháng 3 năm 2018, hai nhà báo Tiêu Dao và Minh Ngọc gây hiệu ứng xã hội mạnh hơn khi đăng trên Báo điện tử Dân Việt bài Làng chài Nam Ô chờ chết, thậm chí trên một bài báo đăng trên Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam vào đầu tháng 4 năm 2018, hai nhà báo này còn cảnh báo:
Làng chài cuối cùng ở Đà Nẵng… đã qua đời; còn hai nhà báo Minh Đức và Hữu Thịnh thì đăng trên Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam bài Làng chài Nam Ô - làng chài cổ 700 tuổi trước nguy cơ bị xóa sổ; đặc biệt nhà báo Trần Tuấn đăng bài trên Báo Tiền Phong khẳng định Nam Ô đã chết!
Một câu hỏi nao lòng nữa cũng được nhà báo Lê Đình Dũng đặt ra trong bài Đà Nẵng: Phá hồn làng cổ, quên thời tiền nhân? đăng trên Báo điện tử Một Thế Giới vào tháng 3 năm 2018. Câu hỏi này gợi nhớ đến câu hỏi Đà Nẵng đang xóa dần ký ức của nhà báo Thanh Hải từng đăng trên Tạp chí Biển hồi tháng 5 năm 2017…
Một góc làng chài Nam Ô. Ảnh: ANH CHUNG |
Nhờ các nhà báo tích cực vào cuộc mà Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định phải giữ nguyên hiện trạng, đồng thời thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử tại làng chài Nam Ô như thông tin trong bài Chủ tịch Đà Nẵng quyết giữ nguyên hiện trạng của làng chài Nam Ô của nhà báo Bích Vân đăng trên Báo Người Lao Động cuối tháng 3-2018.
Và quyết tâm chính trị đúng đắn ấy của Chủ tịch UBND thành phố được các nhà báo “tiếp lửa” bằng chuyên đề Giữ gìn làng biển với nhiều bài báo đăng trên Đà Nẵng Cuối tuần ngày 22-4-2018, trong đó có bài Những làng chài dần xa, dần qua của người viết bài này, nêu rõ quyết định giữ nguyên hiện trạng đồng thời thực hiện trùng tu, tôn tạo di lích lịch sử tại làng chài Nam Ô “cũng mới chỉ là giải pháp tình thế nhằm sửa sai là chính, chứ chưa phải là giải pháp căn cơ.
Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân gian nói chung, di sản văn hóa dân gian miền biển nói riêng ở Đà Nẵng chắc sẽ chuyển biến đáng kể hơn nhiều nếu sớm được bắt đầu từ trường phổ thông. Những học sinh được học về di sản văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, sau này lớn lên nếu trở thành người làm nghề quy hoạch đô thị chắc sẽ “chờn tay” khi phóng bút vẽ một con đường, một khu dân cư mới... ngang qua một miếu thờ Cá Ông hay một giếng cổ...”.
Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng cũng được báo chí quan tâm tuyên truyền quảng bá, nhờ vậy mấy năm qua Đà Nẵng liên tiếp “được mùa”: Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014; Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015; Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian và Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Đà Nẵng được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 và góp phần cùng với các tỉnh miền Trung đưa Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ vào danh sách được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017.
Những cuộc vinh danh như vậy đã tạo điều kiện để các di sản văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng được bảo tồn hiệu quả hơn, tạo được sức đề kháng cần thiết để người Đà Nẵng có thể kiên cường trụ vững trước nguy cơ bị xâm lăng về văn hóa.
BÙI VĂN TIẾNG