Nhà báo với biển, đảo quê hương

.

Đối với những người làm báo, được tác nghiệp ở biển, đảo quê hương là niềm tự hào, hạnh phúc. Chính vì vậy, họ luôn tận dụng từng cơ hội đến với đảo xa để nối đảo với đất liền bằng những tác phẩm báo chí, gói ghém vào đó là tinh thần trách nhiệm, tình yêu Tổ quốc, quê hương…

Những ký ức đẹp

“Trong cuộc đời mình, đã hàng trăm lần tôi hát Quốc ca. Cũng bài Quốc ca đó, cũng màu cờ đó nhưng khi hát ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, những cảm xúc mãnh liệt trong tôi cứ trào dâng mạnh mẽ”, đó là lời chia sẻ đầy xúc động của nhà báo Phan Anh (Báo Người Lao Động) khi nhắc về một buổi sáng đầu Xuân năm 2013 tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa).

Chị kể, ký ức về Trường Sa thì nhiều nhưng sâu sắc nhất vẫn là lúc chào cờ, hát Quốc ca và xem nghi thức duyệt binh dưới cột mốc chủ quyền với 4 mặt là cờ Tổ quốc. Giọng nghẹn ngào, chị bồi hồi kể: “Tôi đã nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trong nắng Ba Đình, trong những sáng thứ hai chào cờ đầu tuần thời đi học, trên hài cốt các liệt sĩ, trong các trận thi đấu thể thao…

Mỗi hình ảnh đều gợi lên những cảm xúc sâu lắng. Nhưng khi nhìn lá cờ Tổ quốc bay lồng lộng trên đảo còn ở dưới là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, tôi thấy trào lên những cảm xúc thật lạ mà tôi chưa từng có trong đời. Và tôi vừa hát vừa khóc”.

Tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: P.V
Tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: P.V

Nếu ký ức đẹp về đảo quê hương của nhà báo Phan Anh là một buổi chào cờ thiêng liêng thì đảo quê hương đọng lại trong tâm thức của nhà báo Đắc Mạnh (Báo Đà Nẵng) là những ngày vừa vật lộn với gió biển, vừa tác nghiệp giữa sự tấn công của tàu hải cảnh Trung Quốc.

Đó là chuyến công tác kéo dài một tuần trên con tàu Kiểm ngư HP-926, tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (tháng 5-2014) trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi cũng như các phóng viên khác trên tàu HP-926 chính là thời điểm hơn 1 giờ đấu tranh căng thẳng diễn ra ngày 12-5. Tàu chúng tôi cùng lúc bị 3 tàu Trung Quốc áp sát và vây quanh. Tình thế diễn ra hết sức căng thẳng”, nhà báo Đắc Mạnh kể lại.

Mặc dù bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc bất ngờ phun thẳng vòi rồng với áp lực cực lớn, nhà báo Đắc Mạnh cùng 4 phóng viên khác vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp, ghi nhận những hình ảnh chân thực. Khi phương tiện tác nghiệp bị hư hỏng, nhà báo Đắc Mạnh tiếp tục xoay sở, nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp tiếp tục “chiến đấu” để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong đợt công tác đặc biệt này.

Trong khi đó, hành trang của nhà báo Văn Anh (Đài Phát thanh -Truyền hình Đà Nẵng) sau 4 chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa đều là những kỷ niệm không thể quên.

“Trong chuyến công tác vào tháng 4-2018 vừa qua, Đảo trưởng đầu tiên của chuyến hải trình khi nhìn thấy tôi là “người quen” đã gửi tặng tôi lá cờ Tổ quốc cùng chữ ký của mình”, nhà báo Văn Anh chia sẻ. Qua 11 điểm đảo và 1 nhà giàn, lá cờ lại nhiều thêm những chữ ký của những người lính nơi đảo xa. Với nhà báo Văn Anh, lá cờ Tổ quốc anh mang về từ đảo xa là món quà vô giá mà anh sẽ luôn nâng niu và trân trọng khi nhắc về Trương Sa thân yêu.

Phóng viên Báo Đà Nẵng tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: X.D
Phóng viên Báo Đà Nẵng tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: X.D

Luôn sẵn sàng tác nghiệp

Có thể nói, đối với mỗi nhà báo, tác nghiệp ở khơi xa luôn có sự hấp dẫn đến kỳ lạ. Mặc dù nhiều khó khăn nhưng phóng viên luôn nỗ lực vượt qua những cơn say sóng, rủi ro khi di chuyển hay kỹ thuật đường truyền để cung cấp cho độc giả những tác phẩm đa dạng, đặc sắc về cuộc sống nơi đây. Và qua mỗi lần tác nghiệp trên dập dềnh sóng nước, những người làm báo lại gom nhặt cho mình thêm kinh nghiệm quý giá về nghề để ngày càng trưởng thành.

Tháng 1-2017, phóng viên trẻ Quốc Khải (Báo Đà Nẵng) có cơ hội tác nghiệp tại các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Nhớ lại chuyến đi này, Quốc Khải vẫn còn bồi hồi: “Cảm xúc lúc hay tin mình được đơn vị cử đi nhà giàn DK1 là một cảm giác xen lẫn vui và lo lắng.

Vui vì được đi xa, được trải nghiệm tác nghiệp ở một trong những nơi thiêng liêng của Tổ quốc. Lo lắng bởi đây là lần đầu tiên nên bản lĩnh, kinh nghiệm tác nghiệp ở những nơi xa xôi, hiểm trở không có”.

Tuy nhiên, 13 ngày trên biển với các anh chiến sĩ Hải quân Vùng 2 cùng các đồng nghiệp đã mang đến cho Quốc Khải nhiều bài học quý giá về nghề. “Tác nghiệp nơi đầu sóng, trên những nhà giàn xa xôi của Tổ quốc không chỉ cần sức khỏe, bản lĩnh vững vàng, mà còn phải học cách vượt qua nỗi sợ hãi. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bám giữ sợi cáp để các anh chiến sĩ trên nhà giàn DK1 kéo lên trên, phía dưới là nhấp nhô sóng nước. Lúc ấy, phải có ý chí quyết tâm, tôi mới can đảm lên đến được nhà giàn để tác nghiệp”, Quốc Khải kể.

Trong khi đó, từng nhiều lần đến với Trường Sa, nhà báo Văn Anh lại đúc rút kinh nghiệm quý giá: “Bên cạnh sức khỏe, phóng viên cần phải chuẩn bị đề tài kỹ càng trước khi đến những điểm đảo xa xôi của Tổ quốc.

Để làm tốt khâu này, tôi thường tìm xem lại các tác phẩm về Trường Sa của những đồng nghiệp đi trước để tránh sự trùng lắp đề tài. Song song, tôi sẽ nắm bắt thông tin lịch trình của chuyến đi và hỏi thăm những điều đặc sắc ở các điểm đảo sẽ dừng chân để phác họa trước đề tài và lên đề cương chi tiết”.

Từ sự chuẩn bị chu đáo này, nhà báo Văn Anh đã tận dụng thời gian tối đa, tác nghiệp nhanh và bảo đảm đầy đủ tư liệu. Nhờ kinh nghiệm này, trong chuyến đi đến Trường Sa gần nhất, nhà báo Văn Anh đã hoàn thành hơn 10 tác phẩm, góp phần chung sức vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kha Miên

;
.
.
.
.
.
.