Tập trung khơi thông hệ thống thoát nước, dọn vệ sinh môi trường

.

Ngày 12-12, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các đơn vị chức năng triển khai công tác khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn những ngày qua và chuẩn bị ứng phó đợt mưa lớn trên diện rộng tiếp theo. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải triển khai lực lượng nạo vét bùn, cát và thu gom rác trong các tuyến cống trên một số tuyến đường để khơi thông cống, bảo đảm thoát nước.

Đặc biệt, tại khu vực cửa xả Mỹ Khê, các công nhân dùng xe cẩu để xử lý những cây dừa ngã đổ; tiến hành dọn vệ sinh máy bơm và hệ thống thoát nước.

Công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải dầm mình trong nước lạnh nạo vét, khơi thông các cống.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải dầm mình trong nước lạnh nạo vét, khơi thông các cống. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ngũ Hành Sơn huy động các lực lượng phối hợp thu gom rác tồn đọng trên các tuyến chính như: Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến, Hồ Xuân Hương, Võ Nguyên Giáp và các bãi biển du lịch với tổng khối tượng rác thu gom được 20 tấn. UBND quận Ngũ Hành Sơn chỉ đạo UBND các phường huy động nhân dân và toàn thể hội viên các hội, đoàn thể trên địa bàn tổng dọn vệ sinh trong các khu dân cư, khơi thông cống rãnh...

UBND quận cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án ven biển trên địa bàn quận huy động nhân viên dọn vệ sinh tại các bãi biển phía trước dự án và các bãi biển chưa được khai thác ở lân cận dự án.

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, từ ngày 10-12 đến nay, lượng rác thải sinh hoạt thu gom được hằng ngày từ 1.150 - 1.200 tấn, tăng hơn 20% so với ngày bình thường.

Công ty cũng phối hợp với các lực lượng thu gom rác thải tấp vào các bãi biển được 30 tấn rác và trong những ngày tới tiếp tục tăng cường lực lượng thu gom rác thải sinh hoạt, không để ứ đọng rác, tồn rác quá lâu trong khu vực dân cư, đường phố, bãi biển, tránh phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đợt mưa lớn, ngập nặng vừa qua gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 147ha rau, màu bị hư hại; trong đó, huyện Hòa Vang có 43ha, quận Ngũ Hành Sơn có 87ha, quận Cẩm Lệ 15,8ha...

Ngoài ra, có 310 gốc cây ăn quả, 250.000 cây hoa cúc và 30.000 chậu hoa trồng phục vụ Tết bị thiệt hại. Mưa và ngập cục bộ cũng làm 1.150 con gia cầm bị chết, thủy sản nuôi tại 40,5ha bị trôi...

Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tăng cường thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố và các bãi biển du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tăng cường thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố và các bãi biển du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh được tăng cường bổ sung liên tục, kết hợp với đới gió đông hoạt động mạnh dần nên từ ngày 13 đến 16-12, các tỉnh, thành phố từ phía nam tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trên các sông sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông dao động ở mức báo động (BĐ) 1 đến BĐ 2, có sông trên BĐ 2, các sông suối nhỏ ở mức BĐ 3 đến trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các huyện vùng núi các tỉnh từ phía nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện A Lưới, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Nam Giang (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi).

Tối 12-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố có công điện gửi các quận, huyện và sở, ban, ngành về chủ động ứng phó kịp thời những sự cố do không khí lạnh, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt gây ra.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin không khí lạnh tăng cường để chủ động phòng tránh. Chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; sẵn sàng phương án sơ tán, dự trữ lương thực, nước uống đề phòng lũ lớn; thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó.

Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải triển khai phương án phòng chống ngập, lụt các khu vực đô thị, các tuyến đường giao thông và vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành; phối hợp với Sở Giao thông vận tải chỉ đạo khơi thông cống rãnh thoát nước; kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thi công khơi thông tuyến kênh tổng thể thoát lũ xã Hòa Liên không để xảy ra ngập úng tại khu vực xã Hòa Liên và khu vực lân cận. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương và các sở xây dựng chuyên ngành sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, sạt lở do mưa, lũ lớn cho các công trình và các khu dân cư đang thi công dở dang...

Ngày 12-12, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, đợt mưa lớn vừa qua, toàn thành phố có 478 điểm ngập úng ở các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, chợ, trường học và điểm tập kết rác.

Trong đó, quận Thanh Khê ghi nhận 113 điểm ngập úng, quận Cẩm Lệ 105 điểm, quận Hải Châu 97 điểm, quận Sơn Trà 67 điểm, huyện Hòa Vang 53 điểm, quận Liên Chiểu 31 điểm và quận Ngũ Hành Sơn 12 điểm ngập. Việc ngập úng làm tăng nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh, trong đó sốt xuất huyết và tay- chân-miệng đang có dấu hiệu gia tăng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm nguồn nước khiến một số dịch bệnh có thể xuất hiện như: tiêu chảy cấp, lỵ, thương hàn, mắt đỏ, viêm da.

“Chúng tôi đã cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với trạm y tế xã, phường trực tiếp hướng dẫn cách xử lý môi trường, thu gom dụng cụ phế thải và cung ứng một số hóa chất đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh.

Đối với các trường học, ngành y tế đề nghị lãnh đạo nhà trường thực hiện việc vệ sinh cảnh quan, lau chùi sạch các dụng cụ ngập nước, xử lý nguồn nước bằng hóa chất; đồng thời hướng dẫn học sinh rửa tay chân thường xuyên và thực hiện chế độ ăn chín uống sôi.

Đối với các khu dân cư, việc kiểm tra, điều tra các chỉ số côn trùng, lăng quăng được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế rất cần sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh”, bác sĩ Lãm cho biết.

Ngày 12-12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có công điện khẩn số 57/CĐ-BGTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký gửi các cơ quan liên quan về việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung.

Theo đó, để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa, lũ, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ 1, 3 chủ trì, phối hợp với các sở GTVT và lực lượng chức năng của địa phương có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, đứt đường, sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện đi vào những vị trí này.

Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải tập trung vật tư và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ, kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu yếu để kịp thời sửa chữa, bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.

Cục Đường thủy nội địa đôn đốc các đơn vị quản lý kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ, kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm sẵn sàng ứng cứu.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra các công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn và gia cố bảo đảm an toàn cho tàu chạy. 

Các bộ phận liên quan đến lĩnh vực đường sắt phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu dễ bị ngập nước, khu vực hay xảy ra lũ quét, đèo dốc, các khu vực đường sắt phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước, sẵn sàng khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt để tàu được lưu thông an toàn.

HOÀNG HIỆP - PHAN CHUNG - PHƯƠNG UYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.