Nâng cao năng lực xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư

.

ĐNO - Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu (ĐB) Quốc hội cuối giờ sáng nay (6-6), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Việt Nam đã xây dựng những kịch bản ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong đó tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu và cải thiện môi trường đầu tư.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đã xây dựng những kịch bản ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh chụp từ màn hình)
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đã xây dựng những kịch bản ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh chụp từ màn hình)

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) về nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng vấn đề này rất đúng. Ông thừa nhận thực tế giải ngân vốn ODA vừa qua có chậm. Năm 2018 chỉ đạt 63,2% vốn kế hoạch, 5 tháng đầu năm 2019 tình hình giải ngân được thúc đẩy nhưng vẫn còn chậm.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nguyên nhân là khó khăn giữa nguồn vốn ODA và vốn đối ứng không được bố trí phù hợp. “Khi ký kết hiệp định vay vốn ODA thì các nhà cung cấp bao giờ cũng đề nghị có nguồn vốn đối ứng để giải quyết vấn đề liên quan đến mặt bằng sạch nếu xây dựng, các bộ, ngành cũng cam kết có vốn đối ứng nhưng khi thực hiện chưa được như mong muốn”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Nguyên nhân tiếp theo là các dự án về vốn ODA có tính chất khác nhau, có dự án giải ngân nhanh nhưng có dự án chậm. Giai đoạn đầu thực hiện dự án mất thời gian khảo sát để triển khai, việc này rất chậm, cộng với việc lập kế hoạch chưa sát, nhất là dự án vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn ODA xây dựng dự án giao thông chiếm 50%. Có những dự án, Ban quản lý dự án có năng lực triển khai ngay nhưng cũng có dự án triển khai kém.. Đặc biệt, còn có khó khăn, vướng mắc nhất về giải phóng mặt bằng (GPMB). 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và ứng xử của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sự cạnh tranh của hai cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực.

Các tổ chức quốc tế đánh giá nếu cuộc cạnh tranh thương mại này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống 3,2%, cung cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Đối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP, thì việc chịu tác động mạnh là chắc chắn. Do đó, Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo, nghiên cứu, đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách cho nền kinh tế. Về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại nói trên đang thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; về dài hạn, có đánh giá cho thấy dấu hiệu tiêu cực, 5 năm tới GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đã xây dựng những kịch bản ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung với mong muốn tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển. "Vai trò của ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm linh hoạt tỷ giá là rất quan trọng. Đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói. 

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho biết, tình hình hiện nay đang mở ra xu hướng chuyển dịch các kênh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, xu hướng đầu tư vào nước ta tăng lên. Do đó cần chọn lọc các kênh đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm chất lượng, thân thiện môi trường và nâng cao tính công nghệ. Việt Nam cũng cần cảnh giác việc hàng hoá thông qua Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước để né thuế.

Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên làm việc sáng 6-6. (Ảnh chụp từ màn hình)
Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên làm việc sáng 6-6. (Ảnh chụp từ màn hình)

Trả lời về việc thời gian qua có tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ khi đánh cá ở các khu vực chưa phân định và đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Vấn đề bảo hộ ngư dân hết sức quan trọng, được Đảng và Chính phủ rất quan tâm. Đây là trách nhiệm của các cơ quan để ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta”. Vừa qua có những vụ việc ngư dân ta bị bắt giữ và Chính phủ đã kiên quyết đấu tranh với các nước để bảo vệ ngư dân của ta đang đánh cá trong vùng biển hợp pháp, yêu cầu đối xử nhân đạo và bồi thường thiệt hại.

Có những trường hợp ngư dân của ta đánh bắt cá trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của các nước và bị bắt giữ. Trong trường hợp này, Chính phủ bảo hộ ngư dân bằng việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý. Đồng thời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng vùng biển quốc tế và chỉ đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp, được lực lượng chức năng bảo hộ.

Về vấn đề chủ quyền Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng biển, đảo.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.