Tháo gỡ điểm nghẽn để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

.

ĐNO - Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra 4 điểm nghẽn trong phát triển du lịch của nước ta, đồng thời nêu ra những giải pháp để đưa ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian đến.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra 4 điểm nghẽn trong du lịch và đề xuất giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh chụp từ màn hình)
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra 4 điểm nghẽn trong du lịch và đề xuất giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh chụp từ màn hình)

Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về điểm nghẽn cũng như giải pháp đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hạ tầng giao thông, sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. "Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu. Nếu tăng lượng khách lên 20-30% rất khó", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Điểm nghẽn nữa là vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn visa cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia. Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng khá cao tiềm năng đầu vào để phát triển du lịch ở Việt Nam, song mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh chỉ đứng thứ 116 trên tổng số 136 quốc gia được đánh giá.

Vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam còn thiếu. Hiện để quản lý khách sạn 4-5 sao phải thuê người nước ngoài. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.

"Hôm qua đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và cho biết, hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch. Trên cơ sở này, các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, "đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận.

Khắc phục hạn chế này, bộ trưởng cho rằng, các ngành các cấp cần quan tâm hơn nữa để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các giải pháp về ban hành bộ quy tắc ứng xử trong văn hóa, du lịch; ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết vùng… là những giải pháp mà bộ trưởng đưa ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. (Ảnh chụp từ màn hình)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. (Ảnh chụp từ màn hình)

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) về hiện tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như dịch vụ tâm linh, thầy bói, thầy tướng…, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Hiến pháp đã quy định về quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần người dân. Bản chất của tôn giáo là tốt đẹp. Tuy nhiên Bộ trưởng thừa nhận, vừa qua một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo quy định; dư luận xã hội cũng lên án các vi phạm về đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục.

Để khắc phục hiện tượng trên, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoạn; lên án hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi trái phép.

Tham gia trả lời về vấn đề mê tín dị đoan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhìn nhận, việc mê tín dị đoan là do sự thiếu hiểu biết. "Do đó, chúng ta cần chú ý hơn từ giáo dục tới văn hóa, nâng cao dân trí để mọi người dân hiểu. Những cái này đều cần có sự phân tích có tình có lý của những nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu về văn hóa. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tất cả các địa phương, các tổ chức là cần tăng cường công tác để nêu gương những cái việc tốt, những việc phù hợp và những việc chưa phù hợp, phân tích trên góc độ văn hóa để mọi người hiểu rõ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.