Đường về không khó

.

Một trong những khó khăn đối với người hoàn thành chương trình cai nghiện trở về địa phương, là làm sao dứt được những người quen, đám bạn cũ đã và đang nghiện ma túy để không tái nghiện. Tuy nhiên, để cai nghiện thành công, theo những người có kinh nghiệm trong công tác này, cần nhiều yếu tố; trong đó, quyết tâm của người sau cai vẫn là quyết định.

Học viên T.V.A. tranh thủ thời gian cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng học nghề thợ hồ để mưu sinh sau này.
Học viên T.V.A. tranh thủ thời gian cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng học nghề thợ hồ để mưu sinh sau này.

H.T.N, chủ quán ăn nhỏ trên đường Nguyễn Tất Thành, N.C.S., thợ sơn vôi và Đ.T.Q., một quản lý khách sạn trên đường Bạch Đằng là những tuyên truyền viên đồng đẳng tích cực của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố những năm gần đây. Cả ba có chung điểm xuất phát là từng nghiện ma túy nặng, từng nhiều lần đi cai nghiện ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng và giờ đây đã đoạn tuyệt được “cái chết trắng”, có công ăn việc làm ổn định. Đây cũng là 3 “nhân chứng sống” của những chương trình tuyên truyền về phòng chống ma túy. Theo họ, “bí quyết” thành công của công cuộc cai nghiện là “cắt đuôi” đám bạn hư hỏng trước đây. Như H.T.N., sau cai phải vào tận Bình Thuận để làm nghề đánh bắt cá trên biển, Đ.T.Q. trở về quê Quảng Nam, còn N.C.S. thì trở thành ông chủ thầu thợ sơn vôi chuyên nhận những công trình ở xa thành phố.

Mới đây, trong buổi giao lưu những câu lạc bộ Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy do Chi cục phòng chống Tệ nạn xã hội thành phố tổ chức, Đ.T.C., ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng mạnh dạn chia sẻ: “Bản thân tôi từng 3 lần cai nghiện và cả hai lần sau khi trở về địa phương tôi đều sử dụng lại ma túy vì đám bạn cũ rủ rê. Cả nể tôi dùng cho vui, nhưng không ngờ bị nghiện trở lại. Đến lần thứ 3, sau cai tôi đã quyết định vào Quảng Ngãi theo tàu đánh bắt cá ở đấy. Gần 14 tháng sau tôi về thì đám bạn cũ mới “buông”. Tạm xa nơi cư trú, tìm một việc làm ổn định là một trong những giải pháp để từ bỏ hẳn ma túy thành công”, Đ.T.C. đúc kết.

Gần như có “mẫu số chung” của những người từng ra vào cơ sở cai nghiện, đó là sau khi hoàn thành chương trình nghiện trở lại địa phương thì bị tái nghiện do bạn cũ rủ rê. Như trường hợp anh L.T.B. ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã có 6 lần cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng đến nay vẫn phải trở lại cơ sở cai nghiện cũng cùng nguyên nhân. “Tôi nghĩ ở đâu cũng do mình là chính, nhưng điều kiện khách quan cũng khá quan trọng. Nhiều người đã thành công bằng cách cách ly bạn cũ. Tháng 6-2020 này tôi sẽ được về, và lần này chắc tôi phải rời khỏi địa phương một thời gian dài, nếu thuận lợi tôi sẽ lập nghiệp ở xa luôn”, anh B. tâm sự.

Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, hiện thành phố đang quản lý gần 700 người sau cai đang sinh sống ở cộng đồng. Qua công tác phân loại đánh giá cho biết có trên 71,3% người có tiến bộ, 20,7% chưa tiến bộ và gần 10% có nguy cơ tái nghiện. Đây là con số khá tích cực so với những năm trước (số người có nguy cơ tái nghiện thường trên dưới 20%). Mặc dù vậy, theo một chủ tịch UBND phường ở trung tâm thành phố, những con số này là chỉ tương đối. Hiện nay, một người sau cai thường có từ 4-5 tổ chức theo dõi, quản lý và giúp đỡ như Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, công an khu vực và tổ dân phố. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là vẫn rất khó để bảo đảm họ không tái nghiện.

Theo ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, để người nghiện từ bỏ hẳn ma túy, bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình, địa phương, việc tổ chức cho họ công ăn việc làm ổn định là rất quan trọng. “Công việc làm ăn càng xa nơi cư trú thì cơ hội cai nghiện thành công hoàn toàn là rất cao, tất nhiên dù ở đâu, quyết tâm của chính người sau cai luôn là yếu tố quyết định”, ông Tạo nói.

Bài và ảnh: THANH SƠN

;
;
.
.
.
.
.