Đổi mới cách quản lý tại Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà

.

Năm 2016, Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà mạnh dạn nghiên cứu đổi mới cách quản lý công việc của các bộ phận trực thuộc, công nhân, nhân viên phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Trong 4 năm qua, xí nghiệp không ngừng khắc phục khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện mô hình quản lý mới này, làm động lực thực hiện tốt dịch vụ vệ sinh môi trường và bảo đảm đời sống người lao động.

Mô hình quản lý mới là động lực nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. TRONG ẢNH: Công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà huy động thêm vợ cùng tham gia thu gom rác sinh hoạt. 			                   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Mô hình quản lý mới là động lực nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. TRONG ẢNH: Công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà huy động thêm vợ cùng tham gia thu gom rác sinh hoạt. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Những năm gần đây, người dân ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã quen với hình ảnh một số nam công nhân thu gom rác sinh hoạt chở theo người vợ hoặc người thân trên xe ba gác đựng đầy rác. Ông Lê Minh Dũng (nhà ở đường Phan Kế Bính, quận Hải Châu), công nhân thuộc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà, ngày ngày chở theo vợ cùng đi thu gom rác ở một khu vực rộng lớn từ khu vực An Hải đến khu vực Nại Hiên và Mân Quang (phường Nại Hiên Đông). Mỗi ngày ông Lê Minh Dũng cùng vợ kéo 15 chuyến xe ba gác chở rác về điểm tập kết tạm trên đường Trần Thánh Tông.

“Dù lương thấp hơn làm phụ hồ và làm công nhân vệ sinh ở các khu nghỉ dưỡng và ngày nào cũng phải đổ 50.000 đồng tiền xăng để thu gom rác, nhưng tôi vẫn đi làm công nhân thu gom rác và chở theo vợ đi cùng để phụ giúp, làm giảm thời gian thu gom rác mỗi thùng từ 45 phút xuống còn 30 phút và công việc cũng được san sẻ, thuận lợi hơn.

Do xí nghiệp và công ty tính tiền công lao động theo khối lượng rác thu gom được và chất lượng phục vụ nên coi như vợ cũng được nhận lương. Ngoài ra, khi có vợ đi cùng, sẽ thu gom được nhiều vỏ lon bia, bìa giấy cứng, chai nhựa... đem bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình”, ông Lê Minh Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà cho biết, ở phường Nại Hiên Đông có 3 công nhân thu gom rác sinh hoạt tự huy động thêm vợ hoặc người thân chưa có việc làm, nhàn rỗi cùng đi thu gom rác về điểm tập kết rác ở đường Chu Huy Mân, Trần Thánh Tông…

Bên cạnh tiền lương được tính theo khối lượng rác thu gom được, khi có người thân cùng đi sẽ có thêm thời gian thu gom các loại rác tài nguyên như: lon bia, nhựa, giấy... để bán, kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cho cuộc sống.

“Có công nhân thu gom rác sinh hoạt về tập kết ở đường Chu Huy Mân phải nuôi mẹ già, 2 đứa con, vợ không có việc làm và đang phải thuê một căn nhà rất nhỏ để ở. Hằng ngày, công nhân này dậy sớm, tự mình thu gom, kéo về điểm tập kết 5 chuyến xe đầy rác.

Vợ của anh sau khi cho con cái ăn uống, đi học xong thì ra phụ giúp anh thu gom, kéo từ 8-10 chuyến xe chở rác còn lại và thu nhặt các loại rác tài nguyên để bán, kiếm thêm từ 200.000-300.000 đồng/ngày. Nhìn chung, phần thu nhập thêm này đủ trang trải ăn uống, sinh hoạt phí trong gia đình. Còn tiền lương thì để dành, tiết kiệm”, ông Nguyễn Phước Nhiên tâm sự.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Nhiên, cách tính lương cho công nhân kéo xe ba gác thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng rác thu gom, được xí nghiệp áp dụng 4 năm nay, mang lại hiệu quả cho công việc và nâng thu nhập cho người công nhân lên mức 7 triệu đồng/tháng, tăng lên rõ rệt so với trước đây. Tương tự, công nhân thu gom rác sinh hoạt theo các xe cuốn ép được tính theo khối lượng rác thu gom được.

Công nhân vệ sinh đường phố được tính lương theo chiều dài quãng đường. Người thu tiền rác được tính lương dựa trên biên lai thu tiền rác, giá trị hợp đồng thu gom và vận chuyển rác... Để bảo đảm công bằng cho các công nhân, người đội trưởng thường xuyên kiểm tra, cập nhật liên tục thông tin... để ghi nhận số lượng sao cho chính xác.

“Chúng tôi luôn công khai, minh bạch đơn giá của công ty nên công nhân có thể tính được số tiền lương hằng ngày của mình. Với cách làm như vậy, công nhân, nhân viên rất thoải mái, hưng phấn, thích thú làm việc và gắn bó với xí nghiệp, tỷ lệ công nhân bỏ việc rất thấp”, ông Nguyễn Phước Nhiên nói.

Với mô hình quản lý mới, Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà có số lượng cán bộ, nhân viên văn phòng và lao động gián tiếp rất ít. Theo đó, xí nghiệp chỉ có 1 giám đốc, 1 phó giám đốc (ít hơn từ 1-2 phó giám đốc so với các xí nghiệp khác), 3 nhân viên kế toán, 2 nhân viên kế hoạch, 2 đội trưởng, 4 đội phó của 2 đội môi trường.

Ông Nguyễn Phước Nhiên tự hào nói: “Chúng tôi chỉ có 2 nhân viên kế hoạch nhưng lại phối hợp rất tốt với các đội trưởng, đội phó để khai thác hợp đồng nên mỗi năm thu được hơn 22 tỷ đồng, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với ở một số xí nghiệp có nhân viên làm kế hoạch hơn 10 người.

Mô hình quản lý mà xí nghiệp đang áp dụng đòi hỏi năng lực, trình độ quản lý của người đội trưởng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, đòi hỏi công ty phải tăng cường cơ giới hóa vào công tác thu gom rác, vệ sinh đường phố”.

Ông Phạm Thanh Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay, mô hình quản lý của Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà tạo động lực làm việc cho cán bộ, nhân viên và công nhân. Nhận thấy những hiệu quả cao của mô hình quản lý ở Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà, Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn học tập, nghiên cứu và áp dụng thực tế 1 năm nay. Công ty cũng đã chỉ đạo các xí nghiệp môi trường nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.