Hồi ức đi khai hoang

.

ĐNO - Đã 45 năm kể từ khi những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới ở núi rừng phía tây thành phố. Diện mạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) bây giờ đã khác, đất hoang đã thành vườn, thành thôn, thành xã. Cuộc di dân từ phố thị lên đất Lâm Viên năm nào nay đã là hồi ức trong lòng một thế hệ gian nan.

Ông Nguyễn Ánh bên vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: NGUYỄN LỄ
Ông Nguyễn Ánh (thôn Hòa Thọ) bên vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: NGUYỄN LỄ

Thế hệ đi khai hoang dạo ấy giờ đã già. Khi gian khó tạm lắng, đời sống an yên, họ ngồi ôn lại chuyện xưa cùng con , cùng cháu bên chén trà thơm trong mảnh sân vườn mát rượi. Vườn và rừng xanh mát của hôm nay, với họ là thành quả của gần nửa thế kỷ đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên những dải đất từng được xem là “khỉ ho, cò gáy” này.

Gian nan một thuở lập làng

Ông Nguyễn Ánh (SN 1953) trú thôn Hòa Thọ là một trong những người đầu tiên đặt chân lên vùng kinh tế mới Hòa Phú. Năm 1975, chuyến đi của người thanh niên làng Đà Ly (vùng Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ bây giờ) bắt đầu, chỉ 3 tháng sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.

Đất núi, đất rừng ngày ấy cũng chưa bằng phẳng, còn in hằn dấu vết của chiến tranh sót lại với những hố bom, vỏ đạn… Những người như ông, rồi lực lượng thanh niên xung phong tham gia lấp hố, khai hoang đã bắt đầu công cuộc phát triển các vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Từ chủ trương ấy, nhiều hộ dân từ nội thành đã tình nguyện “rời phố về rừng lập nghiệp". Ông Ánh kể: “Tôi lên trước từ năm 1975, gia đình gồm vợ và 2 con lên năm 1979. Tháng 3-1979 là thời điểm ghi nhận nhiều người dân từ nội thị Đà Nẵng kéo lên Hòa Phú làm kinh tế mới. Họ đi, sau khi ăn xong cái Tết Nguyên đán Kỷ Mùi. Nếu tôi nhớ không lầm, thời điểm ấy có 96 hộ tương đương 560 nhân khẩu có mặt ở đây”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Con đường khang trang đi qua thôn Đông Lâm. Ảnh: XUÂN SƠN

Ngày 15-3-1986, trước yêu cầu mới về quản lý địa giới hành chính và phát triển kinh tế-xã hội, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định thành lập xã Hòa Phú trên cơ sở tách 4 thôn An Châu, Đông Lâm, Hội Phước, Hòa Phước (xã Hòa Phong) và 5 thôn vùng kinh tế mới Lâm Viên, sau đó thêm thôn đồng bào Cơ tu vùng thấp Phú Túc (huyện Hiên, Quảng Nam-Đà Nẵng cũ)...

Trong đó, người định cư ở Lâm Viên đã ghi dấu gốc gác của mình bằng cách lấy tên nơi ở cũ đặt cho nơi lập làng. Những thôn kinh tế mới mang tên Hòa Hải, Hòa An, Hòa Thọ, Hòa Phát… được lập nên. Ông Ánh chia sẻ: “Nghe tên thôn là biết người vùng ấy đến từ đâu. Hầu hết là những xã của huyện Hòa Vang ngày trước. Họ lấy tên xã mình đặt cho tên thôn, phần để ghi nhớ làng cũ, phần để thể hiện sự quây quần, đoàn kết ở nơi ở mới”.

Ông Lê Tất Luyệt (phải) ôn lại những ngày tháng di dân từ đồng bằng lên núi rừng Hòa Phú. Ảnh: NGUYỄN LỄ
Ông Lê Tất Luyệt (phải) ôn lại những ngày tháng di dân từ đồng bằng lên núi rừng Hòa Phú. Ảnh: NGUYỄN LỄ

Cùng thôn với ông Ánh, ông Lê Tất Luyện (SN 1935) được nhiều bà con gọi là “già làng” bởi thâm niên gắn bó lâu dài với Lâm Viên. Ở tuổi ngoài bát tuần, ông chưa quên được tiếng bánh xe bò lộc cộc lăn qua từng khúc cua gồ ghề, hay tiếng thở phì phò khi phải… vác xe đạp qua từng con dốc.

Ông kể: “Hồi đó, đi lại chủ yếu chỉ có tuyến đường độc đạo ĐT604, nay là Quốc lộ 14G. Hầu như mọi nhu cầu thiết yếu như chợ búa, mua bán, xay xát gạo… đều phải xuống Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và chỉ có đi bộ hoặc đi xe đạp. Dốc cao quá thì vác xe lên mà chạy rồi lại đạp tiếp. Phụ nữ có thai, người đau ốm thì chỉ có khiêng cáng đến trạm xá điều trị. Hệ thống điện cũng chưa có”.

Trong gian khó ngày ấy, Huyện ủy Hòa Vang đã chỉ đạo các đơn vị bằng mọi giá củng cố, xây dựng các cơ sở Đảng, thành lập Đảng bộ xã làm nòng cốt. Từ đó tạo nên hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ đồng hành cùng nhân dân xây dựng quê hương.

Rồi đất cũng nở hoa, những chuyến be bờ, đắp đê từ sự đồng lòng của bà con đã đưa được nước tưới từ suối về ruộng, về vườn. Từ đất mà tự trồng khoai trồng sắn, tự canh tác cây bắp, cây đậu, trái bí... Một phần bà con giữ lại cho bữa cơm nhà, phần lại gánh gồng lội bộ mang xuống chợ Túy Loan bán, rồi mang về mắm, muối, thịt, cá.

Đất nở hoa

Đã 45 năm kể từ ngày giải phóng, đất quê đã nở hoa, đã chuyển mình, những hộ gia đình như gia đình ông Nguyễn Ánh, ông Lê Tất Luyện hay bà Ngô Thị Phi (ở thôn Hòa Hải) nay đã có đời sống ổn định, nhà cửa khang trang, con cái có việc làm, trẻ con được học hành bài bản, nhưng họ chưa bao giờ thôi nhắc thế hệ sau về những năm tháng gian nan ngày cũ. Bởi có gian nan thì mới có thành quả.

Thành quả lớn là cơ sở hạ tầng, là đây, như Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tân vui mừng chia sẻ: Nhiều công trình vừa được nâng cấp, trong đó có hệ thống giao thông nội đồng Hố Cau, Đồng Lăng đi Đông Lâm; các tuyến đường giao thông kiệt hẻm, tuyến đường trục chính thôn An Châu.

Thảm nhựa các tuyến đường từ Cầu Diêu Phong đi Hội Phước, tuyến từ Trạm y tế xã đi đến ngã ba Hội Phước. Nâng cấp sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương, kè chống sạt lở ven sông. Nhiều tuyến điện chiếu sáng đã thành hình. Trung tâm Văn hóa thể thao xã đã có sân bóng, cây xanh. Các tuyến đường kiểu mẫu của các thôn được đầu tư chỉnh trang, trồng hoa trang trí mỹ quan.

Hồ thủy lợi Hố Cau - Một trong những công trình thủy lợi phát triển nông nghiệp ở Hòa Phú. Ảnh: XUÂN SƠN
Hồ thủy lợi Hố Cau - Một trong những công trình thủy lợi phát triển nông nghiệp ở Hòa Phú. Ảnh: XUÂN SƠN

Hòa Phú cũng trở thành xã miền núi đầu tiên ở huyện Hòa Vang “cán đích” chương trình nNông thôn mới, ở đó nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được xây dựng như: Trồng dừa xiêm ở thôn Đông Lâm, chuối thanh tiêu, Rượu cần Phú Túc, ươm keo giống, tre măng, rau sạch. Xã cũng là đơn vị xã miền núi đầu tiên của huyện Hòa Vang “cán đích” nông thôn mới.

Cuộc sống đã đổi thay từ những điều như thế. Quốc lộ 14G được xây cất khang trang đã nối liền trung tâm xã với phố thị, như người Hòa Phú hay nói: “Đi về quê không dính xíu đất”. Bây giờ, họ chỉ mất khoảng 10-20 phút để chạy xe về Hòa Cầm hay Túy Loan. Đường mở, những chuyến xe từ đồng bằng lên cũng ngày một nhiều hơn.

Đưa chúng tôi ra vườn cây hoa quả nặng trĩu những mít, bưởi, ổi, ông Ánh chia sẻ: “Các anh ngó đây nè, cây trái này cứ tới mùa là bà con mình mang ra bán dọc Quốc lộ. Xe du lịch lên Phú Túc, Hòa Phú Thành, Núi Thần tài, thăm Di tích Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang hay lên Đông Giang, Tây Giang… đều tạt ngang qua xã. Đâu dễ chi bỏ qua được trái mít quê thơm lừng hay trái dừa ngọt nước đâu”. 

"Ở đây đã lâu, cũng có nhiều người không chịu được gian nan nên đã quay về phố, nhiều người, như tôi hay ông Luyện thì còn ở lại với bà con. Ngày trước, nếu không lên rừng mà còn ở phố chắc tôi cũng sẽ chật vật. Bây giờ, không lo thiếu thốn nữa, món gì cũng sẵn có trong nhà. Nhiều người ở phố lên đây lại “thèm” lắm cái không khí dân dã này…”, ông Ánh nói.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.