ĐNO - Bác sĩ Phạm Thi Nam (25 tuổi, quê xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) sau khi tốt nghiệp đại học đã về “đầu quân” cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đúng thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp. Bác sĩ Nam tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch và được coi là một trong những tấm gương góp phần làm đẹp thêm cho ngành y.
Bác sĩ Phạm Thi Nam (giữa) đang trao đổi, giải thích với một du khách nước ngoài khi người khách này đề nghị được xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Ba mẹ của Nam đều là giáo viên, nhưng khi còn nhỏ, Nam đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. Nam cũng không hiểu vì sao lại ấn tượng hình ảnh bác sĩ với chiếc áo blouse trắng nhiều đến thế, chỉ cảm nhận rằng muốn thành bác sĩ thành phải học tốt. Anh đã nỗ lực học tập và việc đậu vào Đại học Y Dược Huế là nền tảng để dần hiện thực hóa ước mơ. Tốt nghiệp ngành bác sĩ Y học dự phòng, Trường Đại học Y Dược Huế vào tháng 7-2019, bác sĩ Nam về nhận nhiệm vụ tại khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - khoa “xương sống” - của CDC Đà Nẵng.
Bác sĩ Nam tìm thuê một phòng trọ tại quận Thanh Khê - cách CDC Đà Nẵng khoảng 6km để đi lại thuận tiện, thay vì phải đi quãng đường 40km từ nhà tới nơi làm việc. Tháng 12-2019 và tháng 1-2020, khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, sau đó có trường hợp thu dung và cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng, công việc của một bác sĩ điều tra dịch tễ học như anh là chuỗi ngày làm việc liên tục không ngơi nghỉ.
Trong quá trình làm việc tại CDC Đà Nẵng, Nam là một trong số ít bác sĩ trẻ ở Đà Nẵng tiếp xúc trực tiếp 2 bệnh nhân người Anh (lưu trú tại khách sạn Vanda) dương tính với SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng. “Tôi biết nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất lớn nhưng mình đã trang bị kiến thức và kỹ năng phòng hộ. Vì vậy, tôi không lo cho mình mà chỉ sợ có thể lây cho những người thân trong gia đình”, bác sĩ Nam chia sẻ. Sau đó, anh tự cách ly tại phòng trọ.
Lần tiếp xúc với 2 bệnh nhân người Anh là vào đêm 7-3. Bác sĩ Nam cho biết, khi đó 23 giờ, anh đang ở phòng trọ thì nhận thông báo đột xuất. Anh đến cơ quan để cùng một nam đồng nghiệp điều tra thông tin dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm và cách ly bệnh nhân. Đây là lần đầu anh gặp ca dương tính với SARS-CoV-2 nên có đôi chút bỡ ngỡ.
“Thực sự là một trải nghiệm mới. Khi đó, tôi lo nhất là các tay nắm cửa hoặc vật dụng trong phòng mà hai bệnh nhân này sử dụng, tiếp xúc. Toàn bộ khách sạn được khử trùng, kể cả phương tiện hai vị khách này sử dụng và mình đã rửa tay, sát khuẩn nhiều lần nhưng vẫn có chút lo”, bác sĩ Nam kể.
Ngày 18-3, chương trình “Ly cà-phê yêu thương” trao tặng cá nhân bác sĩ Phạm Thi Nam 2 triệu đồng vì những đóng góp hết mình cho công tác chống dịch. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Trước đó, sáng 7-3, bác sĩ Nam tiếp xúc để điều tra dịch tễ học với 4 vị khách nước ngoài từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng tàu hỏa nhưng đây là các trường hợp tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân số 17 chứ chưa có kết quả dương tính.
“Tàu dừng lại lâu hơn so với ngày thường nên các hành khách trên tàu khá lo lắng. Chúng tôi giải thích cặn kẽ, yêu cầu đóng cửa toàn bộ các toa rồi đưa 4 vị khách kia xuống theo lối riêng tới khu cách ly đã chuẩn bị trước và điều tra thông tin dịch tễ học”, bác sĩ Nam kể và cho biết sau khi khử trùng toàn bộ buồng và khu vực ga, anh đã đưa 4 hành khách này đến Bệnh viện 199 - Bộ Công an để cách ly. Sau đó, bác sĩ Nam tiếp tục tới Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thực hiện việc điều tra dịch tễ. Hôm sau, anh quay lại gặp hai vị khách người Anh để khai thác thêm thông tin về toàn bộ những người tiếp xúc gần với họ…
Do phải làm việc liên tục suốt hơn 10 ngày, tới ngày 14-3, Nam mệt và sốt cao khiến cả CDC Đà Nẵng lo lắng. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, anh được nghỉ ngơi tại phòng trọ. “Đêm đó, Giám đốc CDC Đà Nẵng điện thoại thông báo kết quả, hỏi trêu rằng muốn chọn kết quả âm tính hay dương tính làm tôi thực sự toát mồ hôi. Khi nhận kết quả âm tính, tôi cảm giác bao mệt nhọc tan biến. Tất nhiên tôi báo ngay tin vui này với ba mẹ và người thân, bạn bè”, bác sĩ Nam tâm sự. Sau khi nghỉ ngơi thêm một ngày, anh đi làm trở lại
Nói về đồng nghiệp trẻ của mình, bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết: “Bác sĩ Nam có chuyên môn vững vàng, tâm huyết và nhiệt tình với công việc, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu đột xuất”. Còn với bác sĩ Nam, suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình, góp sức trẻ, chia sẻ gánh nặng với các đồng nghiệp để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những trải nghiệm từ đợt đại dịch Covid-19 bổ sung vào hành trang, giúp anh có thêm kinh nghiệm thực tiễn để làm việc trong môi trường đặc thù đi trước, đón đầu, chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh như CDC.
ĐẮC MẠNH