Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo quy định mới

.

ĐNO - Trong phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa IX, chiều 7-7, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Hà (Tổ ĐB HĐND quận Sơn Trà) cho rằng, nếu chiếu theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho năm học mới  không những gây lãng phí về tiền của mà còn gây khó khăn cho công tác đào tạo, quản lý.

 ĐB Nguyễn Thị Thu Hà nêu lên những bất cập trong việc lựa chọn Bộ SGK cho lớp 1 theo quy định mới của Bộ GD&ĐT. Ảnh: TRỌNG HUY
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà nêu lên những bất cập trong việc lựa chọn Bộ sách giáo khoa lớp 1 theo quy định mới của Bộ GD&ĐT. Ảnh: TRỌNG HUY

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, đối với SGK của lớp 1, thực hiện theo chủ trương về đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông, chủ trương của Bộ GD&ĐT, hiện đã được ngành Giáo dục thành phố đang triển khai thực hiện quy trình lựa chọn SGK đối với 102 trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT được áp dụng từ ngày 1-7-2020, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định chọn SGK theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Như vậy, nếu theo chủ trương trên, các trường học chỉ được phép chọn SGK cho năm học 2020-2021, còn các năm tiếp theo UBND thành phố quyết định chọn SGK theo quy định của Bộ GD&ĐT, mà có thể sự lựa chọn SGK của các tỉnh, thành phố sẽ khác với SGK mà các trường đã sử dụng cho những năm học trước đó.

Theo đó, hiện ngành Giáo dục có 5 bộ SGK thuộc 2 nhà xuất bản được bộ giáo dục phê duyệt để các trường lựa chọn. Cụ thể, ở Đà Nẵng có 5/8 môn học được lựa chọn SGK của Nhà xuất bản Kết nối tri thức với tỷ lệ lựa chọn là 73-90%... Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các ĐB HĐND thành phố trước kỳ họp này thì nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nên lựa chọn bộ SGK mà đa số các trường đã chọn cho những năm học trước đó để áp dụng chung trên địa bàn thành phố.

Các giáo viên trưởng tiểu học tại Đà Nẵng chọn SGK lớp 1 do các nhà xuất bản giới thiệu tại Đà Nẵng. Ảnh: H.NGUYÊN
Giáo viên ở các trường tiểu học tại Đà Nẵng chọn sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản giới thiệu tại Đà Nẵng. Ảnh: H.NGUYÊN

“Theo lý giải của ngành Giáo dục thành phố thì chủ trương chọn SGK của năm học này đang thực hiện theo các văn bản, quy định của Bộ GD&ĐT và không thể làm trái quy định được. Đây có thể nói là bất cập trong đổi mới nội dung đào tạo”, ĐB Hà cho hay.  

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Tấn Xử, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố cho rằng, nếu có thay đổi thì nên cải cách giáo dục ở bậc học đại học nhiều hơn so với giáo dục phổ thông. Bởi giáo dục phổ thông từ bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở… thì giáo viên nên dạy các em về kiến thức, kỹ năng, dạy cách làm người, dạy văn hóa để sau này thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.

ĐB Xử đề nghị, UBND thành phố phải rà soát kỹ về vấn đề này, để sau này tránh lãng phí. Mặt khác, Ban Văn hóa xã hội – HĐND thành phố cần tổ chức buổi làm việc với ngành Giáo dục Đà Nẵng để thẩm tra về vấn này cụ thể để đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT sửa đổi chủ trương này.

Về vấn này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, qua báo cáo của UBND thành phố thì việc triển khai thực hiện việc chọn SGK của UBND thành phố được thực hiện đúng với quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cũng đề nghị, UBND thành phố trước hết phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đồng thời tiếp thu ý kiến của ĐB và kiến nghị của cử tri thành phố để có báo cáo, kiến nghị đề xuất với Bộ GD&ĐT về bất cập này.

“Cái gì có lợi cho dân, tránh tác động, ảnh hưởng xấu đến xã hội mà chúng ta có thể làm được thì cần phải có những đề xuất và giải pháp cụ thể với Bộ GD&ĐT. Tôi tin rằng, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và có điều chỉnh cho phù hợp về việc này trong thời gian đến, vì đây không chỉ là bức xúc của cử tri thành phố Đà Nẵng”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh

TRỌNG HÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.