ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ QUẬN NGŨ HÀNH SƠN LẦN THỨ VI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Bứt phá phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ

.

Phát huy lợi thế vừa có núi, sông, biển và có danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, công nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ, thương mại. Đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020, dịch vụ, du lịch, thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quận khi chiếm tỷ lệ 82,69% trong cơ cấu kinh tế.

5 năm qua, Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón khoảng 8,66 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Ảnh: TRỌNG HUY
5 năm qua, Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón khoảng 8,66 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Ảnh: TRỌNG HUY

Du lịch, dịch vụ tăng trưởng khá

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, Đảng bộ, chính quyền quận đã tập trung nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phát triển du lịch. Được sự hỗ trợ của thành phố, quận đã xây dựng cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả để hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, mở rộng các hoạt động thương mại và dịch vụ phù hợp. Nhờ đó, dịch vụ, du lịch của quận có nhiều chuyển biến tích cực, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển tiếp tục phát triển và đi vào hoạt động.

Thành phố đã phê duyệt quy hoạch 4 bãi tắm biển, 5 lối xuống biển (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 lối xuống biển) khang trang, sạch đẹp, phục vụ nhu cầu vãn cảnh, tắm biển của nhân dân và du khách. Đặc biệt, ngày 24-12-2018, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, được đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục, công tác tuyên truyền, quảng bá luôn được chú trọng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, ngay sau khi danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả di tích cũng như nỗ lực hơn nữa bảo tồn di tích theo đúng Luật Di sản. Ban quản lý sẽ tham mưu xây dựng, bổ sung thêm các sản phẩm bổ trợ để tăng sức hấp dẫn cũng như giá trị của di tích danh thắng.

Bên cạnh đó, Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Vu Lan báo hiếu, Lễ hội Thạch nghệ Tổ sư được tổ chức hằng năm với nhiều hoạt động, nội dung phong phú đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Theo thống kê, từ năm 2016 ước đến năm 2020, Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón khoảng 8,66 triệu lượt khách (khách nước ngoài khoảng 5,03 triệu lượt) với tổng thu phí tham quan 342,39 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành dịch vụ, du lịch - thương mại của quận chiếm 82,69% trong cơ cấu ngành với giá trị sản xuất đạt gần 31.000 tỷ đồng, chiếm 10,47% so với thành phố (tăng 3,76% so với nhiệm kỳ 2010-2015).

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, tuy đạt được kết quả đáng kể về phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, song quận nhìn nhận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như danh thắng Ngũ Hành Sơn, bờ biển, ven sông; làng đá mỹ nghệ Non Nước chưa được tập trung khai thác có hiệu quả. Sản phẩm du lịch của quận còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa có điểm nhấn. Quận đặt mục tiêu 5 năm đến tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ - công nghiệp - công nghiệp”, trong đó ngành dịch vụ, du lịch, thương mại đạt mức tăng bình quân hằng năm từ 8-8,5%.

Thời gian đến, quận Ngũ Hành Sơn sẽ triển khai các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả cơ chế, nguồn lực bảo đảm các ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững; chủ động xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động dịch vụ, du lịch sau khi Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, tập trung quảng bá Di tích Quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến an toàn, thân thiện thu hút du khách.

Đồng thời, bám sát Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao; triển khai Khu phố du lịch An Thượng và tiếp tục mở rộng khu phố đi bộ về phía Bắc tuyến đường Hoàng Kế Viêm đến tuyến đường Nguyễn Văn Thoại tại phường Mỹ An; kêu gọi đầu tư xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn; tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngành Dịch vụ du lịch, gắn dịch vụ du lịch chất lượng cao với dịch vụ du lịch bình dân đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng du khách.

Quận tích cực tranh thủ khai thác lợi thế, phát triển các dự án đầu tư dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển, các bãi tắm công cộng để phát triển lĩnh vực dịch vụ phụ trợ của địa phương, nhất là dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, mua sắm..., tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển rộng khắp loại hình siêu thị mini, cửa hiệu bán lẻ hàng hóa phục vụ khách du lịch và nhân dân địa phương.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành dịch vụ, du lịch, thương mại của quận Ngũ Hành Sơn chiếm 82,69% trong cơ cấu ngành với giá trị sản xuất đạt gần 31.000 tỷ đồng, chiếm 10,47% so với thành phố.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.