Mở hướng về nguồn lực đầu tư phát triển

.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thông Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến liên quan đến nội dung nghị quyết nêu.

Khi có sự điều chỉnh Quy hoạch chung, có biến động về tình hình kinh tế - xã hội... thì chính quyền Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Qua đây tạo thông thoáng cho chính quyền thành phố trong quy hoạch đô thị. Trong ảnh: Vịnh Liên Chiều đang được điều chỉnh quy hoạch để đầu tư dự án cảng biển.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khi có sự điều chỉnh Quy hoạch chung, có biến động về tình hình kinh tế - xã hội... thì chính quyền Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Qua đây tạo thông thoáng cho chính quyền thành phố trong quy hoạch đô thị. Trong ảnh: Vịnh Liên Chiều đang được điều chỉnh quy hoạch để đầu tư dự án cảng biển. Ảnh: TRIỆU TÙNG

* KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị - Sở Xây dựng: Thành phố chủ động hơn trong công tác quy hoạch đô thị

Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội thực sự xác lập cơ chế đặc thù mang tính đột phá tiếp tục được kỳ vọng sẽ “cởi trói” để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, vươn tầm đô thị quốc tế.
Điều 8 của Nghị quyết quy định về nội dung Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị có nêu “Trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện”.

Nội dung trên giao cho UBND thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch thành phố đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch quy định tại khoản 2, 5, 6 Điều 53 Luật Quy hoạch năm 2017 (có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch; do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch). Nội dung này thực sự “cởi trói” để chính quyền thành phố thực hiện nội dung điều chỉnh quy hoạch, giảm đầu mối, thủ tục, quy trình liên quan đến nhiều cấp như thời gian qua.

* Ths Trần Văn Lịch, Giảng viên Trường Chính trị thành phố: Bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển

Tại Điều 9 của Nghị quyết về Quản lý tài chính - ngân sách thành phố có quy định: Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố Đà Nẵng, để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây được xem là bước đi cụ thể hóa mang tính quyết định và đột phá cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) (khoản 8 Điều 9), sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương (NSĐP), đồng thời, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi NSĐP hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.  

Riêng với thành phố Đà Nẵng, việc Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố Đà Nẵng để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây là thời điểm “vàng” để giúp thành phố Đà Nẵng nhanh chóng phát triển và có điều kiện hơn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

TRIỆU TÙNG- THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.