8 năm trước, người chồng qua đời, bỏ lại chị cùng hai đứa con nhỏ với bao khó khăn chồng chất. Quyết tâm nuôi hai con ăn học tới nơi tới chốn, nén nỗi đau riêng, chị Lê Thị Phấn (quê xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) rời nghề làm nông ở quê nhà để vào Đà Nẵng bắt đầu cuộc sống mới với nghề quét rác.
Chị Lê Thị Phấn làm việc trên tuyến đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu. Ảnh: DIỆP NHƯ |
Thương hoàn cảnh nghèo khó của chị, Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu (Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng) đã tuyển chị vào làm công nhân thuộc Đội Môi trường 1. Với đặc thù công việc, hằng ngày, chị bắt đầu kéo xe rác đi từ 4 giờ sáng trên các tuyến đường Âu Cơ, Nguyễn Đình Trọng và khu vực chợ Hòa Khánh... 8 năm qua, người dân sinh sống ở khu vực chị làm việc đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ cần mẫn đẩy xe rác đi qua, ngày mưa cũng như ngày nắng.
Trò chuyện với chúng tôi trong giờ nghỉ trưa, lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, chị Phấn tâm sự: “Công việc quét rác tưởng chừng đơn giản vậy, nhưng vất vả và đầy rủi ro. Tai nạn giao thông luôn là mối lo thường trực đối với công nhân môi trường”. Chị kể về nỗi ám ảnh trong lần đang đi thu dọn rác trên đường về thì bị chiếc ô-tô đâm vào khiến chị ngã gãy chân, gãy xương vai, phải bó bột, nghỉ việc 3 tháng.
Chị Phấn thổ lộ: “Thời điểm đó, tôi nằm viện 20 ngày nên không thể tự mình làm việc gì. Các con còn nhỏ, không thể mưu sinh. Gánh nặng tiền thuốc thang và chi tiêu các khoản khiến tôi như đổ quỵ một lần nữa. Trong căn phòng trọ chật hẹp, lại không thể lành lặn chân tay để làm việc kiếm tiền, có nhiều lúc tôi đau đớn, buồn tủi, nghĩ quẩn... Song, nghĩ đến tương lai cuộc sống của hai con, tôi xem đó là động lực để mình cố gắng vượt qua tất cả”. Hiểu được nỗi vất vả của mẹ, hai đứa con của chị yêu thương mẹ hết mực và cố gắng học hành. Hiện con trai lớn của chị đã học năm thứ 3 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, con gái nhỏ học lớp 12. Ngoài giờ học, các cháu còn đi làm thêm ở quán ăn để phụ mẹ đóng học phí, mua sắm đồ dùng học tập.
Với tính cách chịu khó, chị cũng được người dân địa phương thương yêu, đùm bọc. Thỉnh thoảng, người gom những vật dụng bỏ đi để đưa chị bán phế liệu có thêm tiền đi chợ; người cho cái bánh, phần quà từ thiện mỗi khi chị đẩy xe rác ngang qua. Là người hay giúp đỡ chị Phấn, bà Bảy (chủ tạp hóa trên tuyến đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) nói: “Cô Phấn rất chịu khó, làm việc miệt mài lắm. Chỗ mô cô quét là sạch tinh tươm. Tụi tui cũng hay gọi cho đồ đạc”.
Hiểu được hoàn cảnh “vừa làm cha, vừa làm mẹ”, cuộc sống thiếu trước hụt sau của chị Phấn, Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu luôn quan tâm tạo điều kiện để chị hoàn thành nhiệm vụ. Chị Trương Thị Khánh Phượng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở thành viên, Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu cho biết: “Chị Phấn là một công nhân có tinh thần làm việc rất trách nhiệm và luôn tuân thủ đúng những nội quy của cơ quan. Nhiều năm liền chị đều được xí nghiệp xét lao động tiên tiến với thành tích tốt trong công việc. Tổ chức Công đoàn cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên chị trong cuộc sống. Trường hợp này cũng khá đặc biệt nên chúng tôi có những đề xuất kịp thời về mọi mặt để chị gắn bó lâu dài với công việc”.
Theo chị Phấn, nghề nào cũng có vất vả riêng, nhưng được làm đẹp đường phố là niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày, đồng thời giúp chị nuôi hai con ăn học khôn lớn. “Xí nghiệp quan tâm thăm hỏi, động viên mẹ con tôi thường xuyên. Chính vì vậy, tôi luôn suy nghĩ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc và để cảm ơn những người đã cưu mang mình lúc còn chưa có việc làm và cả khi ốm đau cùng cực. Điều tôi mong muốn nhất là được khỏe mạnh để tiếp tục công việc, có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng và ước mơ sau này có một mái nhà che mưa che nắng cho ba mẹ con”.
DIỆP NHƯ