Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố trong thời gian đến. Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng đã nỗ lực trong triển khai và đạt những kết quả căn bản, tạo động lực mới để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Thành phố nỗ lực triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị để tạo động lực phát triển trong những giai đoạn tới. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng nhìn từ quận Liên Chiểu. Ảnh: V.D |
Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tham mưu xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực về quy hoạch, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư, tài chính - ngân sách, tín dụng và thuế, chính sách tiền lương, phát triển du lịch, quản lý và phát triển đô thị, thực hiện các công trình trọng điểm có tính chất liên vùng.
Để huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, thành phố đề ra chủ trương chọn 12 chuyên đề và kế hoạch (cụ thể hóa bằng 10 chương trình hành động và 2 kế hoạch) trên nhiều lĩnh vực then chốt để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến toàn diện và rõ nét về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng…
Nổi bật là các chương trình về thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng; công nghiệp công nghệ cao; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; thu hút nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm; nông nghiệp công nghệ cao; các dự án động lực, trọng điểm, tạo sự liên kết, lan tỏa phát triển trong khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, chất lượng cao gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống; đồng thời phát huy vai trò hạt nhân của Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…
Song song đó, hơn 1 năm qua, thành phố tập trung chỉ đạo bám sát triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hằng năm; trong đó thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Đặc biệt, Đà Nẵng thực hiện nhất quán chủ trương rà soát, điều chỉnh bất cập trong quá trình phát triển thời gian qua, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt cho cộng đồng.
Với mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, động lực mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra, gồm: Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1); Dự án di dời Ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị; Dự án đầu tư nhà ga mới Nhà gia hành khách T3 - Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng; Dự án mở rộng tuyến quốc lộ 14B (giai đoạn 2); Dự án xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Đến nay, các dự án này từng bước có những chuyển biến tích cực.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhất là đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước và thành phố.
Trước tình hình đó, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn hệ thống chính trị chủ động công tác thông tin, tuyên truyền và nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội và thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thành phố quyết tâm cao nhất để triển khai những dự án động lực, trọng điểm bảo đảm tiến độ nhằm thúc đẩy quá trình phát triển Đà Nẵng trong thời gian đến.
Để Nghị quyết số 43-NQ/TW nhanh chóng được cụ thể hóa, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, thời gian.
Hơn 1 năm qua, quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng được tiến hành chặt chẽ, công phu và có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Đảng bộ thành phố duy trì sự tập trung cao độ và tinh thần phấn đấu với quyết tâm cao nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các ngành kinh tế ổn định và phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tích cực huy động các nguồn thu vào ngân sách, quản lý ngân sách chặt chẽ và hiệu quả hơn, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân thành phố.
Ngày 10-8-2020, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương để tham mưu, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 trong năm 2020, nhất là nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện mô hình tổ chức CQĐT tại thành phố Đà Nẵng; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 trên các lĩnh vực về quy hoạch; tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố; việc tạo nguồn cải cách tiền lương và sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư; danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố; việc sử dụng các khoản thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, phường phù hợp với khả năng thực tiễn và tình hình của từng địa phương, đơn vị. |
V.D