Chính trị - Xã hội

Tiếng loa di động ở thôn Nhơn Thọ 2

11:11, 30/09/2020 (GMT+7)

15 năm nay, ở thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), người dân quá quen với âm thanh phát ra từ chiếc loa di động khắp thôn xóm, từ đầu làng đến cuối làng.

Hễ nghe tiếng loa thì mọi người biết ngay trong thôn có việc hệ trọng, đồng thời sẵn sàng tâm thế chấp hành, tham gia và tích cực đóng góp công sức, tiền của.

Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho đến các thông báo về thiên tai, dịch bệnh, hội họp, các khoản đóng góp theo quy định đều được truyền tải đến tận nhà người dân trong thôn thông qua chiếc loa di động nói trên.

Ông Đinh Huynh, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nhơn Thọ 2 cho biết: “Trên cơ sở các văn bản ở xã gửi về, chúng tôi trích lược những nội dung cơ bản cần thiết với người dân trong thôn và sử dụng loa di động thông báo khắp thôn xóm, ai cũng có thể nghe và hiểu. Trong đợt Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 7, chúng tôi sử dụng chiếc loa này liên tục để tuyên truyền, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch. Nghe tin bão số 5 sắp đổ bộ vào khu vực miền Trung, chúng tôi cũng kéo loa khắp xóm để cảnh báo người dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh...”.

Theo ông Lữ Tuất, Phó ban Công tác Mặt trận thôn - người trực tiếp sử dụng chiếc loa này nhiều năm nay cho hay, đối với những văn bản quy phạm pháp luật, Ban Công tác Mặt trận thôn trích lượt các nội dung cần thiết, phù hợp với địa phương mình rồi thu, sao chép qua USB và phát qua loa kéo. Còn những thông báo mang tính cấp bách như nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh thì phát trực tiếp ngắn gọn, dễ hiểu.

Ông Hà Mận, Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Thọ 2 chia sẻ, toàn thôn có 307 hộ dân, sống tập trung dọc tuyến quốc lộ 1A; xe cộ tấp nập, ồn ào nên khó nghe được tiếng loa phóng thanh của xã. Việc kéo loa thông báo, tuyên truyền đến từng ngõ ngách, tận nhà người dân là thiết thực, hiệu quả vì không ai nắm địa bàn sâu sát như cán bộ quân dân chính ở thôn.

Ông Thái Bá Cường, người dân thôn Nhơn Thọ 2 cho hay, các anh “cán bộ” thôn ở đây nhiệt tình lắm. Khi tổ chức họp dân, thôn gửi giấy mời, sau đó kéo loa khắp xóm thông báo nhiều lần. “Người dân không muốn đi cũng không được vì thấy mấy ảnh vất vả, trách nhiệm với thôn xóm, hơn nữa tiếng loa này thông báo toàn việc quan trọng đối với người dân trong thôn. Nhiều năm nay như thế nên quen, người dân tham gia hội họp rất đông”, ông Cường chia sẻ.

Nhờ có tiếng loa và nội dung triển khai các cuộc họp thiết thực nên người dân thôn Nhơn Thọ 2 hưởng ứng tích cực. Ông Đinh Huynh kể, trước đây, thôn Nhơn Thọ 2 thường xảy ra nạn trộm chó, các đối tượng từ các địa phương khác đến kích điện, đánh bả, bắt chó. “Trước thực trạng này, chúng tôi đã tổ chức họp dân, bàn bạc, thống nhất làm một “gác chắn” ở đầu làng và trang bị thêm chiếc kẻng. Hễ phát hiện đối tượng khả nghi, người dân liền đánh kẻng, hạ barie xuống rồi hô hoán vây bắt. Nhờ đó, nhiều năm nay không còn nạn trộm chó”, ông Huynh hào hứng nói.

Cũng theo ông Huynh, tuy dân số của thôn đông nhưng phần lớn là người già và trẻ nhỏ, thanh niên trai tráng đi làm ăn xa nên mỗi lần có đám tang thì khó tập hợp được thanh niên đưa tang. “Chúng tôi đã bàn bạc và người dân đồng tình ủng hộ việc mua xe tang. Giữa tháng 7 vừa qua, từ số tiền đóng góp của người dân, chúng tôi ra Huế đặt mua 1 chiếc xe tang trị giá 120 triệu đồng để phục vụ đưa tang cho người dân trong thôn. Rồi khi Covid-19 bùng phát, người dân trong thôn chung tay phòng, chống dịch, đóng góp công sức, ủng hộ thức ăn, nước uống cho các lực lượng tham gia chốt chặn tại thôn...”, ông Huynh cho biết thêm.

Với người dân thôn Nhơn Thọ 2, tiếng loa trở thành nếp sống văn hóa; là công cụ quản lý, tập hợp, huy động sức dân xây dựng thôn xóm của cán bộ quân dân chính thôn vì đã khai thác, sử dụng loa đúng mục đích, hiệu quả.

PHƯƠNG TẤN

.