Huy động tổng lực phòng, chống bão số 9

.

* Học sinh nghỉ học từ chiều 27-10

Chiều tối 26-10, chủ trì cuộc họp rà soát công tác triển khai ứng phó bão số 9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để chống bão. Người đứng đầu các cấp ủy và sở, ban, ngành phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai các công việc nêu trong công điện ứng phó bão của UBND thành phố, nếu xảy ra sơ suất thì phải chịu trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 vào chiều 26-10. (Ảnh: HOÀNG HIỆP) và Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia).
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 vào chiều 26-10. (Ảnh: HOÀNG HIỆP) và Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia).

Cả hệ thống chính trị của thành phố phải cùng chống bão

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố về rà soát công tác ứng phó với bão số 9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, từng cấp, từng ngành, đơn vị, địa phương phải khẩn trương vạch các đầu việc triển khai ứng phó với bão mạnh một cách chi tiết, cụ thể, gắn với trách nhiệm của người tổ chức thực hiện và có thời hạn hoàn thành, trong đó dự kiến các tình huống xảy ra cùng biện pháp ứng phó và không được suy nghĩ chủ quan, xuôi chiều. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy và sở, ban, ngành phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai các công việc nêu trong công điện ứng phó với bão của UBND thành phố, nếu xảy ra sơ suất thì phải chịu trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, cả hệ thống chính trị của thành phố phải tham gia vào việc vận động người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, nhất là trước khi bão cập bờ. Không được “khoán trắng” cho các lực lượng công an, biên phòng và lực lượng chuyên trách, mà cần huy động lực lượng của các tổ chức chính trị, xã hội cùng chống bão. Bên cạnh đó, phải thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp chống bão. “Bài học thực tiễn từ công tác phòng, chống Covid-19 cho thấy, nếu không tăng cường kiểm tra và việc triển khai các biện pháp ứng phó lại hành chính hóa bằng các văn bản, giấy tờ, không kiểm tra thực hiện thì không bao giờ đạt được hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành phải thành lập tổ kiểm tra việc triển khai ứng phó với bão.

Đặc biệt, phải kiểm tra sơ tán dân đến nơi thật sự an toàn cho dân trú ẩn, bảo đảm vừa chống được gió mạnh, vừa chống lũ lụt; đồng thời, kiểm tra lại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, không được chủ quan; kiểm tra thật kỹ, không cho người dân, công nhân ở trong các khu lán trại tạm ở các công trình xây dựng đang thi công”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo UBND thành phố thực hiện các kịch bản sẵn sàng phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, có việc tiến hành lập danh sách các lực lượng túc trực ứng cứu tại các địa phương và có đầu mối để chỉ đạo ứng cứu. Phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng ứng cứu, lệnh tổ chức các lực lượng ứng cứu phải có sự thống nhất của cấp trên, không tự ý triển khai lực lượng khi chưa có lệnh. Phải hết sức chặt chẽ khi tổ chức ứng cứu, không được để xảy ra thiệt hại cho lực lượng cứu hộ; đồng thời các lực lượng công an, quân sự, biên phòng... phải phối hợp tốt với nhau để bảo đảm hiệu quả.

Ngư dân neo, buộc chắc chắn tàu cá tránh bão tại khu vực âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngư dân neo, buộc chắc chắn tàu cá tránh bão tại khu vực âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đồng chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, khối lượng công tác ứng phó với cơn bão số 9 phải được thực hiện lớn hơn, nhiều hơn gấp 2-3 lần so với các cơn bão bình thường và phải triển khai khẩn trương cho kịp thời vì bão có tốc độ di chuyển vào bờ quá nhanh. Các sở, ngành, địa phương cần nhận thức được tính phức tạp, nguy hiểm và mức độ ảnh hưởng của bão số 9 đến thành phố; xác định phòng chống bão là nhiệm vụ rất quan trọng, cần tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả nhất. Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo; tổ chức tổ kiểm tra thực hiện ứng phó bão số 9. Cốt lõi là cần thông tin đầy đủ, thường xuyên về bão số 9 đến nhân dân và yêu cầu người dân phải thực hiện công tác phòng chống bão theo các yêu cầu của thành phố.

Trong ngày 26-10, UBND thành phố cũng đã có công điện ứng phó với bão số 9 với yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, lưu ý bảo đảm thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng, chống Covid-19 theo quy định, hoàn thành trước 15 giờ ngày 27-10. Tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, nghiêm cấm không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 15 giờ ngày

27-10. UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ, hoàn thành trước 15 giờ 00 ngày 27-10... Sở Xây dựng, các đơn vị chuyên ngành xây dựng, UBND các quận, huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công khẩn trương hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao, bảo đảm an toàn, hoàn thành trước 15 giờ ngày 27-10...

Không mất cảnh giác để giảm thiểu thiệt hại từ bão, lũ

Trong sáng 26-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp trực tuyến chỉ đạo về công tác ứng phó, phòng chống bão số 9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, miền Trung đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”. “Chúng ta không được mất cảnh giác, phải chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và mưa lũ sau bão; đồng thời, tiếp tục triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, nhất là tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, đừng để nhân dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói rét, khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngày 26-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp đến Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nghe báo cáo tình hình dự báo cơn bão Molave (bão số 9). Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave và những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta. Theo đó, bão số 9 là cơn bão mạnh, được dự báo khi vào bờ vẫn giữ cấp 12, giật trên cấp 12. Mức độ thiên tai cấp 4 và cấp cao hơn có thể xảy ra ở khu vực từ nam Nghệ An đến Khánh Hòa.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả các cơ quan đều phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1470 ngày 26-10, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt là bão số 9.

HOÀNG HIỆP

Mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ trước mắt và lâu dài cho nhân dân miền Trung

Sáng 26-10, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp đại diện một số cơ quan Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế đang hỗ trợ nhân dân miền Trung vượt qua khó khăn do mưa bão. Cụ thể, Phó Thủ tướng tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Đây là 3 tổ chức đã hợp tác chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tiến hành khảo sát nhanh thiệt hại và nhu cầu của nhân dân các tỉnh miền Trung sau đợt bão lụt vừa qua, từ đó có hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF đã huy động 160.000 USD để hỗ trợ khẩn cấp về nước, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, y tế, dinh dưỡng và giáo dục. Đại diện UNICEF cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam trong các lĩnh vực như nước sạch, vệ sinh, dinh dưỡng, sức khỏe của phụ nữ và trẻ em...

Tại buổi tiếp, đại diện UNDP cũng đánh giá cao chương trình xây dựng 3.200 ngôi nhà an toàn trong 2 năm vừa qua đã đem lại kết quả tích cực đối với việc bảo đảm tính mạng của người dân trong các đợt bão, lũ; khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ Khí hậu xanh và ADB triển khai các chương trình tương tự tại Việt Nam với nguồn vốn khoảng 30 triệu USD để giúp người dân có thể chống chọi với thiên tai. Trong khi đó, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, sau chuyến khảo sát nhanh về thiệt hại và nhu cầu cần cứu trợ của người dân miền Trung vừa qua, ADB đang xem xét khởi động Gói quỹ hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu USD.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảm ơn sự ủng hộ quý báu các tổ chức dành cho Việt Nam; đồng thời cho biết trong thời gian tới, ngoài những hỗ trợ khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, các cơ quan, tổ chức quốc tế cần phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để có những chương trình, dự án hỗ trợ dài hạn, bài bản để người dân có thể sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng ADB sẽ sớm kích hoạt Gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu USD. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến nay các tổ chức quốc tế, trong đó có UNDP, UNICEFF và ADB đã hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua với tổng trị giá gần 3 triệu USD. (Theo Baochinhphu.vn)

Phát động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt

Sáng 26-10, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt. Theo đó, Thường trực Hội kêu gọi cán bộ, hội viên toàn Hội cùng các nhà hảo tâm gần xa ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 6 và bão số 7 gây ra. Thời gian ủng hộ từ ngày 26-10 đến ngày 15-11, tại văn phòng Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng (Địa chỉ: 522 Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng). Ngay sau khi phát động, đội ngũ cán bộ Hội cùng các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã ủng hộ hơn 200 triệu đồng. (LÊ VĂN THƠM)

Học sinh nghỉ học từ chiều 27-10

Chiều 26-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục; các phòng thuộc sở về việc triển khai ứng phó với bão số 9 (bão Molave). Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học từ chiều 27-10 và cả ngày 28-10 để phòng tránh bão số 9. Trong trường hợp diễn biến bão, mưa lũ phức tạp, kéo dài, Sở GD&ĐT sẽ có thông báo mới. Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản theo các công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT, hoàn thành trước 17 giờ ngày 27-10. (NGỌC PHÚ)

* Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão. Theo đó, yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 9, triển khai khẩn cấp các phương án ứng phó với bão số 9 theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi trong trường hợp cần tiếp tục di dời các tàu…(PHƯƠNG UYÊN)

 

;
;
.
.
.
.
.